WHO: 1,7 triệu trẻ em tử vong mỗi năm trên toàn thế giới vì ô nhiễm

Tiếp xúc với những chất gây ô nhiễm môi trường đã cướp đi sinh mạng của 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm trên toàn cầu, theo hai bản báo cáo mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dựa vào những thống kê, trên thế giới cứ 4 trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trường hợp tử vong bởi nguyên nhân có liên quan đến các mối nguy hiểm liên quan đến vấn đề môi trường, chẳng hạn như không khí ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, nguồn nước ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém…Báo cáo đầu tiên của WHO cho thấy một số nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ em chính là tiêu chảy, sốt rét, viêm phổi – những căn bệnh có thể được phòng ngừa qua việc tiếp cận với nguồn nước sạch, thực phẩm sạch và những nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro về môi trường. Trong khi đó, báo cáo thứ 2 của Tổ chức Y tế Thế giới nêu lên những thông tin chi tiết về tác động của việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em.“Môi trường ô nhiễm chính là mối đe dọa chết người đối với trẻ nhỏ”, Margaret Chan, người đứng đầu WHO cho biết trong một tuyên bố. “Các cơ quan nội tạng và hệ miễn dịch của trẻ vốn đang phát triển, cơ thể và đường hô hấp vẫn còn nhỏ, khiến cho chúng rất dễ bị tổn thương nếu tiếp xúc với không khí và nguồn nước bẩn”.Theo WHO, hàng năm có 570.000 trẻ em dưới 5 tuổi qua đời vì nhiễm trùng đường hô hấp, căn bệnh gây ra bởi không khí ô nhiễm và khói thuốc lá; 361.000 ca tử vong vì tiêu chảy, xuất phát từ vấn đề vệ sinh kém và gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn nước sạch; 270.000 trường hợp tử vong ngay trong tháng đầu đời bởi các nguyên nhân vốn dĩ có thể được ngăn chặn nhờ cải thiện vệ sinh môi trường, cung cấp nguồn nước sạch và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Ngoài ra, 200.000 ca tử vong do sốt rét ở trẻ em có thể đã được ngăn chặn nếu việc kiểm soát muỗi và quản lý nguồn nước được thực hiện.Ngoài số liệu, WHO còn chỉ ra những tác động lâu dài mà tình trạng ô nhiễm kôi trường có thể gây ra với sức khỏe trẻ em. Trẻ em khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm hay khói thuốc lá đều tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các vấn đề về đường hô hấp mãn tính, chẳng hạn như bệnh hen suyễn. Sự gia tăng của rác thải điện tử được cho là có thể tăng khả năng tiếp xúc của trẻ với các chất độc làm giảm trí thông minh, tổn thương phổi và ung thư. Khối lượng của chất thải điện tử dự kiến sẽ đạt 50 triệu tấn vào năm 2018, tăng 19% so với năm 2014.Năm 2013, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) – một nhánh của WHO đã đưa ô nhiễm không khí ngoài trời vào danh sách những chất gây ung thư cho con người, đặc biệt là ung thư phổi và bàng quang. Tháng 9/2016, WHO cho biết 90% dân số thế giới đang sống trong những vùng ô nhiễm không khí vượt qua giới hạn an toàn. Ngoài ra, biến đối khí hậu cũng là một trong những yếu tố đe dọa đến sức khỏe con người, việc nhiệt độ và hàm lượng CO2 tăng đã làm cho lượng phấn hoa tăng lên, gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em.Có đến 11-14% trẻ em dưới 5 tuổi hiện đang bị các triệu chứng của hen suyễn; 44% trong số này được xác định gây ra bởi các vấn đề môi trường. Nhằm giảm thiểu những rủi ro, WHO đã kêu gọi chính phủ của các quốc gia trên thế giới tìm cách để giảm ô nhiễm trong nhà cũng như ngoài trời, bảo vệ phụ nữ mang thai tránh khỏi khói thuốc, cung cấp nước sạch và cải thiện môi trường sống của người dân.Theo tinhte.vn

SHARE