GS Nguyễn Bá Đức: 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường

Chiều 26/5, tại Hội trường Bệnh viện K3 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, Hội Nội khoa Việt Nam cùng với Bệnh viện K trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học “Ung thư không phải dấu chấm hết” với 500 bệnh nhân và người nhà tham gia.

Bệnh nhân ung thư ghi câu hỏi tại hội thảo.

Ung thư không phải là trừng phạt 

Chia sẻ tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó chủ tịch hội Ung thư Việt Nam, cho biết: “Người bệnh thường coi ung thư là chết. Đây là khái niệm tiêu cực. Khi bị ung thư, nhiều người suy nghĩ “Tại sao tôi lại bị bệnh này, tôi có sống ác với ai đâu tại sao trời phật lại trừng phạt tôi” – Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi ung thư không phải là sự trừng phạt”.

Ung thư cũng như các bệnh mãn tính khác, đều có nguyên nhân của nó. Trong khi các bệnh bình thường để muộn cũng chết như viêm ruột thừa muộn gây thủng ruột, gây viêm phúc mạc cũng tử vong. Hay bệnh nhân bị áp xe phổi, tràn dịch màng phổi muộn chắc chắn chết. Nên không phải chỉ riêng ung thư mới là chết. Với ung thư nếu biết sớm như các bệnh khác, bệnh nhân cũng có cơ hội sống khoẻ.

Giáo sư Đức tâm sự, bệnh ung thư và bệnh tim mạch là hai món quà không mong muốn của thượng đế dành cho loài người, nhất là người cao tuổi. Đã là món quà không mong muốn nhưng con người vẫn phải nhận.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức chia sẻ với người bệnh

Nghiên cứu 80% nguyên nhân gây ung thư do tác động môi trường, 20% do tế bào trong cơ thể tự đột biến. Con người cũng như cái xe chạy mãi cũng hỏng, tuổi càng cao càng hay hỏng hóc, càng dễ sinh ra tế bào lạ, phát triển lên. Vì thế ung thư không phải trời phạt, số phận, lỗi lầm gì, mà do môi trường tạo ra.

Chính vì thế, GS Đức khuyên, mỗi người nên nhìn nó tích cực làm sao phòng bệnh phòng tốt và khi phát hiện ra bệnh cần bình tĩnh để sống chung với nó, coi nó như bệnh mãn tính.

Làm gì khi bị bệnh ung thư?

Khi phát hiện ung thư, người bệnh cần bình tĩnh, điều trị theo các phương pháp khoa học chính thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị và điều trị đích. Tuỳ từng bệnh có thể áp dụng các kỹ thuật, phương pháp khác nhau. Trong điều trị ung thư, nó là tổng hoà của các phương pháp chứ không có phương pháp đơn lẻ nào.

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị. GS Đức cho rằng ông gặp rất nhiều câu hỏi của người bệnh ung thư rằng khi bị ung thư phải kiêng khem, bệnh ung thư có lây không, ung thư không được đi đám ma, bốc mộ và đủ kiểu.

Với chế độ ăn cho người bệnh ung thư, GS Đức nhấn mạnh, trong điều trị một số bệnh có quy định chế độ riêng tránh ảnh hưởng quá trình điều trị, ví như viêm cầu thận kiêng ăn mặn tránh giữ nước, phù tim; hay bệnh tiểu đường không ăn nhiều đường; bệnh suy gan… số bệnh phải có chế độ ăn kiêng ít. Những bệnh nhân ung thư chỉ phải ăn kiêng khi có các bệnh lý trên kèm theo.

Hầu hết người bệnh vẫn cần phải ăn đủ chất đường, đạm mỡ, calo và dinh dưỡng để đủ sức chịu đựng các biện pháp điều trị. Giáo sư Đức cho biết quan niệm nhịn để tế bào ung thư không phát triển là hoàn toàn sai lầm.

Còn về quan điểm đi đám ma bệnh nhân ung thư sẽ tử vong, tái phát nhanh hơn, vị chuyên gia này khẳng định bản chất của bệnh ung thư là có khả năng tái phát và di căn, nếu phát hiện sớm điều trị hết bệnh, khỏi hẳn là cao. Nếu giai đoạn muộn, tế bào ung thư dời đi, trú ẩn bí mật rồi không thể tiêu diệt được, nên lúc nào đó sẽ tái phát, phát triển lên… Một số người bệnh sau khi chữa chưa hết, vẫn còn tế bào ung thư, sau đi đám tang về và tái phát chỉ là sự trùng lặp.

Với người có bệnh ung thư cần giữ gìn, đừng để quá đau buồn theo người mất mà bệnh tái phát.

Theo: baomoi.vn

SHARE