Ở chung cư thường quan tâm nội thất nhưng ‘bỏ rơi’ yếu tố này khiến trẻ dễ mất an toàn

Yếu tố ban công rất quan trọng bởi từ đây có thể xảy ra những tai nạn đáng tiếc nếu phụ huynh lơ là.

Nhiều vụ việc trẻ bị rơi từ ban công chung cư xuống đất đã đặt ra cảnh báo cho phụ huynh về sự an toàn khi ở tại các nhà chung cư. Nhiều vụ việc xảy ra khi người lớn không để ý hoặc lúc mới chuyển nhà đến chưa kịp gia cố lại lan can ban công hay các cửa sổ.

Mới đây nhất một bé trai 5 tuổi đã bị rơi từ tầng 17 của chung cư xuống đất. Sự việc xảy ra tại phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội). Vào thời điểm này, người dân sinh sống trong khu vực nghe tiếng va chạm mạnh, chạy ra thì thấy bé trai nằm bất động, chảy nhiều máu.

Khi xảy ra sự việc chỉ có cháu bé và mẹ ở nhà. Do mẹ không chú ý, bé đã trèo lên ghế và nhìn xuống thì lộn qua lan can rồi rơi xuống sảnh chung cư.

Nhiều người ở chung cư thường quan tâm nội thất nhưng 'bỏ rơi' yếu tố này khiến trẻ dễ mất an toàn

Trước đó, hồi năm 2016, một bé trai cũng bị tử vong khi rơi từ trên cao xuống tum tầng 2 tại nhà K6 (Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội).

Nạn nhân là bé trai 8 tuổi ra lan can chơi nhưng không để ý nên bị rơi xuống đất. Khi phát hiện sự việc, các hộ dân xung quanh đã đưa bé đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Cơ quan chức năng cũng đã có mặt tại hiện trường để điều tra sự việc.

Những sự việc trên là lời cảnh tỉnh cho phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến an toàn của con em nhất là khi ở chung cư. Trẻ vốn dĩ hiếu động và chưa ý thức được sự nguy hiểm cho nên sẽ leo trèo, bám vào lan can nhằm nhìn xuống bên dưới. Tuy nhiên, điều này sẽ nguy hiểm, chỉ một chút sơ sẩy khiến trẻ bị rơi xuống bên dưới để lại hậu quả nặng nề.

Nhiều người quên yếu tố quan trọng

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư xây dựng Chí Thành cho rằng, những căn hộ đã ở lâu đã là một chuyện còn những căn hộ mới xây dựng khi nhận nhà xong thường chưa sửa chữa xong nên phụ huynh có thể lơ là. Nhưng với nhà có con nhỏ thì yếu tố quan tâm đầu tiên phải là lan can và các nan cửa sổ.

“Lan can phải cao hơn đầu trẻ và không với tay tới được. Còn với các nan cửa sổ, người lớn không lọt được nhưng trẻ thì hoàn toàn có thể chui lọt đầu. Do đó, phụ huynh phải chú ý gia cố ban công nếu quá thấp bằng cách lắp đặt thêm lưới ở phía trên. Còn với cửa sổ có thể hàn thêm nan để ngăn các khoảng cách không quá rộng khiến trẻ chui lọt và ngã xuống dưới”, anh Thành nói.

Việc để trẻ tự chơi đôi khi rất nguy hiểm. Vấn đề trẻ chơi ở ban công với những gia đình ở chung cư càng phải quan tâm sâu sát hơn. Bởi lẽ, trẻ có tính hiếu động sẽ trèo lên lan can. Cho nên, không nên đặt bất cứ ghế, bàn ở ban công, trẻ sẽ bám và leo lên để nhoài người xuống dưới.

“Hiện nay có nhiều chung cư sử dụng ban công bằng kính nhưng vẫn có những chung cư dùng kiểu thành ban công là nan sắt. Do đó, phụ huynh phải lắp thêm lưới giữa các nan sắt này. Nếu có điều kiện có thể xây kín lại toàn bộ để không có khe hở cho trẻ nhìn xuống dưới”, anh Thành khuyến cáo.

Hiện nay trên thị trường có dịch vụ lưới an toàn cho ban công, phụ huynh có thể tham khảo. Mức giá dao động từ 130.000 đồng – 150.000 đồng/m2. Với kiểu lưới này, hoàn toàn không lo phòng bị thiếu ánh sáng do các nan lưới được cách nhau từ 5-7cm vừa đảm bảo an toàn và độ thoáng.

“Trang bị mọi biện pháp an toàn là một phần, quan trọng nhất vẫn là không tạo thói quen cho trẻ. Nhiều phụ huynh vẫn thường cho trẻ đứng lên cao ở bên cạnh thành ban công để chơi đùa, ăn cơm… Hành động này khiến trẻ cảm thấy mọi thứ không có gì nguy hiểm và lần sau sẽ làm theo. Nhất là những lúc phụ huynh đi vắng, trẻ sẽ tự tiện đứng lên để nhoài người xuống dưới và để lại những hậu quả đáng tiếc. Do đó, phụ huynh đừng tạo những hành động nguy hiểm để rồi trẻ làm theo, học theo trong cuộc sống ngày”, anh Thành khuyên.

Phương Hà

SHARE