Bạn mua vé hãng Vietjet Air hay Vietnam Airlines nhưng lại bước lên lên máy bay của Myanmar, Campuchia… và gặp cả đội nước ngoài lạ hoắc. Điều tưởng bất ngờ này hóa ra lại là bình thường.
Một chuyến bay khách mua vé của Vietnam Airlines song lên máy bay của Cambodia Angkor Air – Ảnh: T.T.D. |
Không ít hành khách bất ngờ, thậm chí phản ứng lại, nhưng hình thức này được các hãng hàng không giải thích là “thuê ướt” để phục vụ khách trong nước trong giờ cao điểm. “Thuê ướt” là bao gần như trọn gói, cả máy bay, quyền khai thác lẫn đội bay…
Thuê cả đội bay ngoại vì nhu cầu tăng
Chị Đoàn Thị Hương Thuyết (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) ra sân bay đi chuyến TP.HCM – Thanh Hóa, số hiệu VJ240 của Hãng Vietjet Air, bay ngày 5-6.
Lúc 6h20, khi ra sân đậu máy bay, chị nhận thấy máy bay không phải của Vietjet Air mà logo là Myanmar Airways. Hỏi nhân viên, chị được trả lời đó là máy bay Vietjet Air thuê. Tìm tới số ghế 11A, chị Thuyết thấy ghế trơ sắt phía dưới ghế nên yêu cầu nhân viên tới kiểm tra.
Nhận thấy câu trả lời không thỏa đáng, chị Thuyết đến gặp tiếp viên trưởng và lấy điện thoại ra quay lại.
Nhưng vì đây là chiếc máy bay được Vietjet Air thuê ướt, tức thuê luôn đội bay nên tiếp viên trưởng là người nước ngoài. Vậy là cuộc trao đổi không thành vì bất đồng ngôn ngữ.
Yêu cầu được chuyển sang chuyến bay khác mà không phụ thu bất cứ khoản nào của chị Thuyết đã không được đáp ứng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vietjet Air xác nhận trường hợp khách hàng Đoàn Thị Hương Thuyết và cho biết đây là máy bay được hãng “thuê ướt” để phục vụ mùa cao điểm nên toàn bộ êkip của tổ bay là của Myanmar Airways.
Sự phản ứng của khách hàng nói trên đã khiến chuyến bay bị trễ 45 phút. Vietjet Air cho biết đội ngũ kỹ thuật đã kiểm tra, xác định ghế 11A vẫn đảm bảo an toàn.
Đại diện hãng bay này nói rằng đã đề nghị chuyển ghế ngồi cho chị Thuyết nhưng không được đồng ý nên đã mời chị về Cảng vụ hàng không miền Nam để tiếp tục giải quyết, đồng thời hỗ trợ hoàn vé cho chị Thuyết.
Nhu cầu đi lại tăng cao trong các dịp hè, lễ, tết dẫn đến việc các hãng hàng không phải tìm thuê máy bay đáp ứng lại.
Đại diện Jetstar cho biết cũng từng “thuê ướt” máy bay của Tây Ban Nha dù dịp hè năm nay hãng chưa thực hiện nghiệp vụ này.
Trên máy bay “thuê ướt” bao giờ cũng có tiếp viên của chủ máy bay và tiếp viên của hãng thuê đi cùng, vì thế, đại diện Jetstar cho rằng chất lượng và dịch vụ như nhau. Nếu có khác nhau, đại diện Jetstar cho rằng là ở chỗ người đi thuê có chọn máy bay đẹp, mới, tốt để thuê hay không.
Đại diện Vietnam Airlines cũng xác nhận hãng đang thuê “ướt” một máy bay A321 của Cambodia Angkor Air dự kiến đến cuối năm 2017.
Máy bay ngoại nhưng cũ
Không riêng trường hợp chị Thuyết, một số hành khách gần đây gặp máy bay “thuê ướt” của các hãng hàng không Việt cũng tỏ ra băn khoăn khi tin tưởng và mua vé của hãng A, nhưng ra sân bay mới biết phải bay với “đội lạ”, từ máy bay tới phi hành đoàn.
Nhiều ý kiến cho biết đã lo lắng khi đi máy bay lạ, đầu tiên là cảm giác không thoải mái khi đa số phi hành đoàn bất đồng ngôn ngữ.
Chị Phạm T.T. (Q.Phú Nhuận) – người từng đi một chuyến máy bay “thuê ướt” của Vietjet Air – cho biết không thực hài lòng vì cảm quan thấy máy bay thuê của Myanmar Airways cũ hơn. Và dù tin tưởng hãng, nhưng rõ ràng cảm giác cả chuyến bay chị lo lắng.
Chị T. cho rằng nếu thuê máy bay ngoại, các hãng bay nên thuê từ những nước có ngành hàng không phát triển tương đương hoặc cao hơn Việt Nam, như thế khách hàng đỡ có cảm giác hãng hàng không tranh thủ thời gian đông khách thuê các hãng bay chất lượng thấp hơn để tăng lợi nhuận.
Đại diện Vietjet Air cho biết hiện tại hãng đang “thuê ướt” ba chiếc, một của Hãng BH Air, hai từ Myanmar Airways trong 2-3 tháng.
“Việc thuê máy bay ướt đắt hơn rất nhiều so với thuê “khô” và chất lượng máy bay được Cục Hàng không kiểm định nghiêm ngặt mới cho vào vận hành”, đại diện Vietjet Air nói.
“Đây là hoạt động bình thường” Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không, cho biết việc thuê máy bay để khai thác trong mùa cao điểm là hoạt động bình thường. Về quản lý, ví dụ Vietjet Air thuê máy bay của Israel hay Philippines, Cục Hàng không Việt Nam sẽ phải phối hợp với cục hàng không các nước giám sát về điều kiện bay và khai thác an toàn. Các phi công và tiếp viên cũng sẽ được kiểm tra đánh giá. “Tất cả đều phải tuân thủ chuẩn mực chung về an toàn khai thác. Cục Hàng không phải phê duyệt mới được đưa máy bay vào khai thác”, ông Cường nói. Ông Cường cho biết theo quy định hiện hành, hãng sẽ không phải thông báo cho hành khách biết trước chuyến bay của họ sẽ thực hiện bằng máy bay “thuê ướt” của hãng khác. Lý do là các máy bay thuê về đều đảm bảo tiêu chuẩn khai thác về mặt an toàn, an ninh… Tuy nhiên, với chất lượng dịch vụ trên máy bay, ông Cường cho biết hãng có trách nhiệm đảm bảo việc cung cấp như đã công bố với khách. Theo tuoitre |