Mẹ bầu còn chần chừ gì mà không bổ sung vào thực đơn hằng ngày nhỉ?
Măng cụt có vị ngọt thanh, từng múi trắng như sữa là thứ quả nhiều người thích ăn. Không chỉ giúp mẹ bầu giải khát trong những ngày nắng nóng, oi bức, măng cụt còn có nhiều tác dụng mà ít người biết đến.
1. Dưỡng chất trong quả măng cụt
Các chất dinh dưỡng có trong măng cụt giúp mẹ bầu có thể ngăn ngừa tình trạng nóng trong và cải thiện khả năng miễn dịch cho cơ thể. Bổ sung một lượng vừa đủ măng cụt còn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cho mẹ bầu đấy.
Trong phần ăn được của quả măng cụt rất giàu dưỡng chất như: chất đạm, chất béo, chất carbonhydrates, chất xơ, calsium, chất sắt, phốt pho,… và vitamin như B1, C.
2. Tác dụng của măng cụt
Thời kỳ mang thai thường khiến chị em trở nên nặng nề, hay mệt mỏi và bị stress. Người ta đã tìm thấy khả năng chống mệt mỏi ở trái măng cụt. Dùng măng cụt sẽ giúp mẹ bầu tăng cường sinh lực một cách an toàn và cảm thấy khỏe khoắn hơn trong người.
Ngoài ra, măng cụt còn có khả năng giúp mẹ bầu có cảm giác thư thái trong lòng. Bởi trong quả măng cụt có chứa axit trytophan – chất có liên hệ trực tiếp với serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh có liên hệ mật thiết với giấc ngủ, tâm trạng vui buồn và khẩu vị) tạo ra sự phấn chấn trong tinh thần.
Măng cụt giúp mẹ bầu chống mệt mỏi, hưng phấn tinh thần (Hình minh họa)
Giảm huyết áp
Đây là một tác dụng tuyệt vời của măng cụt đối với mẹ nào bị bệnh huyết áp cao. Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng xơ vữa động mạch khiến gia tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ. Măng cụt đã tỏ ra rất hữu hiệu, nhất là đối với những người có trọng lượng cơ thể trung bình, trong việc giảm huyết áp và ngăn sự tấn công huyết áp của mạch máu đường phổi.
Ngăn ngừa bệnh ung thư
Các nhà khoa học đang nghiên cứu về khả năng có thể phòng ngừa bệnh ung thư của trái măng cụt. Kết quả cho thấy nước được rút ra từ trái măng cụt có tác dụng ngăn chặn phần nào sự phát triển của các tế bào ung thư máu trong cơ thể con người, và cũng góp phần ngăn chặn sự bành trướng nhanh chóng của các tế bào gây bệnh ung thư vú của phụ nữ, ung thư gan và các tế bào ung thư liên quan đến dạ đày và phổi.
Ngăn ngừa các bệnh dị ứng
Hiện nay có rất nhiều chị em bị dị ứng gây khó chịu, mệt mỏi trong người. Ngoài những tác dụng nêu trên, măng cụt còn có khả năng kháng histamin cũng như các chứng viêm. Các mẹ có thể dùng nước ép từ trái măng cụt như một liều thuốc trị bệnh dị ứng và tất nhiên, nước ép măng cụt sẽ ngon và an toàn hơn thuốc rất nhiều.
Cải thiện làn da
Nhiều mẹ bầu bị mắc phải các chứng bệnh ngoài da như chàm (eczema), viêm da, mụn trứng cá, vẩy nến, ngứa dẫn tới mất thẩm mĩ và khó chịu. Lúc này măng cụt lại phát huy tác dụng như một loại dược phẩm trị bệnh ngoài da tự nhiên và không sợ bị phản ứng phụ. Các mẹ hãy sử dụng nước măng cụt bôi rửa ngay trên vùng da đang bị tổn thương để điều trị các chứng bệnh ngoài da kể trên nhé. Kiên trì một thời gian các mẹ sẽ thấy được kết quả mà mình mong muốn đấy.
Không chỉ ruột mà vỏ măng cụt cũng rất có ích (Hình minh họa)
3. Tác dụng chữa bệnh của vỏ măng cụt
Thông thường khi ăn măng cụt chúng ta hay vứt bỏ vỏ đi mà không để ý đến những tác dụng tuyệt vời của nó. Ngoài tác dụng “hiển nhiên” là bảo vệ phần thịt ngọt mát, nõn nà ra thì vỏ măng cụt còn là một vị thuốc quý được nhiều người sử dụng.
Trị tiêu chảy
– Dùng vỏ măng cụt khô 24gr, hạt thì là (có nơi gọi hạt bồng sàn) mỗi thứ 2gr. Đem tất cả nấu lấy nước, uống 2 lần trong ngày.
Chữa lỵ
– Dùng vỏ quả măng cụt 6gr, rau sam, rau má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa (mỗi thứ 8gr), trà xanh (loại ngon) 6gr, cam thảo, vỏ quýt (mỗi thứ 4gr), gừng 3 lát. Đem tất cả nấu lấy nước để uống trong ngày.
– Hoặc: Vỏ quả măng cụt nướng thơm 8gr, rau má 10gr; rau dền tía, khổ sâm, gương sen, củ rối sao đen, vỏ lựu (mỗi vị 8gr); hạt cau già 6gr; cam thảo, vỏ quýt nướng (mỗi vị 4gr). Tất cả đem nấu lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý: Chỉ dùng vỏ quả và vỏ cây khô, không dùng tươi và tránh dùng dụng cụ bằng sắt để chế biến.
4. Chọn mua măng cụt
Măng cụt thông thường có hai loại: 1 loại có vỏ màu tím thẫm, 1 loại vỏ có màu rám nâu. Khi chọn măng cụt loại có vỏ màu rám nâu sẽ ngọt hơn.
Khi chọn măng cụt cần chú ý:
– Vỏ: Cần chọn quả có vỏ mềm đều, không chọn quả có vỏ cứng và quá sần sùi, hay vỏ bị mềm do dập, ngoài vỏ chai cứng chỗ nào thì trong ruột nó cũng bị hỏng ngay chỗ đấy.
– Cuống và hoa thị: Nên chọn loại quả có cuống tươi, không bị héo úa và thâm đen, các cánh xung quanh cuống tươi xanh, không bị khô quắt và đổi màu. Hoa thị là phần những cánh hoa nằm ở phần dưới quả. Các hoa thị thường chia không đều nhau và có bao nhiêu hoa thị thì quả măng có bấy nhiêu múi. Nên lựa quả có nhiều hoa thị, hoa nhiều thì múi sẽ nhiều và ít hạt hơn.
– Quả nhỏ, tròn đều: Các mẹ nên lựa những quả măng nhỏ vừa, cầm chắc tay ấn nhẹ vào vỏ thấy vừa mềm không cứng, xoay tròn quả thấy tròn đều không bị vẹo, đó là quả măng cụt ngon.
Các mẹ nhớ lưu ý để chọn được măng cụt ngon nhé (Hình minh họa)
5. Món ngon với măng cụt
Chè măng cụt
Nguyên liệu:
– 400g măng cụt
– 1/2 chén bột năng
– 300g đường phèn
– 3 lá dứa
– 300g dừa nạo
Cách làm:
– Măng cụt chọn quả vỏ tím, đều, mềm tay, tách vỏ, lấy phần cơm.
– Lá dứa rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, bỏ xác, lọc lấy nước cốt.
– Dừa nạo cho vào nước ấm, vắt lấy nước cốt dừa.
– Cho nước cốt dừa, nước dứa vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, cho thêm khoảng 200ml nước lạnh, đường phèn vào nồi, đun sôi, lọc bỏ cặn.
– Lấy cơm măng cụt lăn qua bột năng sau đó cho vào nồi nước, đun sôi kỹ.
– Múc chè ra chén, khi ăn cho nước cốt dừa, đá vào.
Kem măng cụt
Nguyên liệu:
– 200ml sữa tươi
– 150ml kem tươi
– 150 gr thịt măng cụt
– 2 lòng đỏ trứng gà
– 100 gr đường (hoặc nhiều hơn tùy thích)
– Vài giọt nước chanh (với kem có nguyên liệu từ quả tươi, khi xay các mẹ nên vắt vào mấy giọt chanh sẽ giữ cho thịt quả trắng, không bị thâm đen).
Cách làm:
– Đun sữa trên bếp, giữ nhỏ lửa cho đến khi sữa sôi mấp máy rồi tắt bếp.
– Đánh lòng đỏ trứng với đường, sau đó đổ từ từ sữa vào hỗn hợp trứng + đường đã đánh, vừa đổ vừa khuấy đều tay.
– Đổ trở lại hỗn hợp sữa + trứng + đường vào nồi, bắc lên bếp, đun nhỏ lửa và khuấy đều tay để tránh vón cục. Đến khi hỗn hợp trong nồi đã sánh lại, khi khuấy các mẹ bắt đầu thấy nặng tay thì bắc xuống.
– Kem tươi đánh bông nhẹ, măng cụt chỉ lấy phần thịt, cho vài giọt nước chanh vào, xay nhuyễn rồi trộn đều với kem tươi. Sau đó lọc lại hỗn hợp qua rây, loại bớt xơ hoặc mảnh hạt lép của măng cụt.
– Trộn đều kem tươi + măng cụt với hỗn hợp trên, để nguội rồi cho vào tủ lạnh để làm mát hỗn hợp. Sau đó cho vào máy làm kem, quay từ 30-35 phút.
Nguồn: Emđẹp.vn