Các nghiên cứu khoa học chuyên sâu đã đưa ra kết luận: Quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và chưa thấy có mối nguy nào trên trẻ em.
Một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là rất quan trọng để phát triển đầy đủ thể lực và trí não cho trẻ em. Bên cạnh đó, các món ăn được chế biến hợp khẩu vị với trẻ em cũng là một yếu tố cần thiết giúp trẻ ăn ngon miệng. Vì vậy, các loại gia vị khác nhau đã được sử dụng trong chế biến để giúp trẻ ăn ngon hơn.Bột ngọt là một gia vị phổ biến và được rất nhiều người quan tâm về tính an toàn của nó trong sử dụng. Năm 1987, Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), dựa trên các nghiên cứu khoa học chuyên sâu đã đưa ra kết luận: Quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và chưa thấy có mối nguy nào trên trẻ em. Và lượng acid glutamic trẻ uống từ sữa thủy phân cũng tương đương với lượng acid glutamic trẻ đưa vào cơ thể khi dùng 3g bột ngọt mỗi ngày.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy việc ăn bột ngọt hay glutamate của mẹ không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ ở các giai đoạn bào thai cũng như giai đoạn bú mẹ vì có sự điều tiết của hàng rào ở nhau thai và hàng rào dạ dày-ruột. Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng bột ngọt cũng không ảnh hưởng đến hệ thần kinh người lớn cũng như trẻ em do có sự hiện hiện của hàng rào máu-não.
Như vậy, hiện nay không có khuyến cáo về việc sử dụng bột ngọt cho trẻ em. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng gia vị nói chung chỉ làm tăng vị ngon cho món ăn, không nên dùng để thay thế cho các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Thực tế, trẻ em có thể ăn thực phẩm tự nhiên không cần nêm nếm, bên cạnh đó, có thể nêm bột ngọt một cách hợp lý cho món ăn của trẻ, đặc biệt trẻ đang trong giai đoạn biếng ăn. Ví dụ, khi trẻ từ chối những món ăn của bé, nhưng bé lại muốn ăn thức ăn của mẹ đang ăn, chúng ta vẫn có thể cho bé ăn món ăn đó, chứ không phải vì thức ăn của người lớn có bột ngọt mà không cho bé ăn.