Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ có thể gây nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có tới 60% trẻ dưới 6 tháng tuổi gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Các nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa rất đa dạng như do chế độ ăn uống, dùng thuốc kháng sinh, do bệnh lý…
Sau đây là 5 vấn đề rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ nhỏ.
1. Trớ sữa
Trớ sữa là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Khoảng 20 – 50% trẻ sơ sinh trớ sữa sau ăn. Tình trạng này thường kết thúc khi bé được 1 tuổi. Nguyên nhân trớ sữa là do quá trình tiêu hóa của trẻ sơ sinh diễn ra khá chậm vì cơ vòng thực quản của bé vẫn đang phát triển. Bởi vậy khi bé ăn no, một ít sữa không đáng kể sẽ trào ra khỏi miệng.
Tình trạng trớ sữa thường kết thúc khi bé được 1 tuổi. Ảnh minh họa.
Trong hầu hết các trường hợp, trớ sữa là hiện tượng sinh lý trong 6 tháng đầu, không phải bệnh nguy hiểm. Hầu hết các bé sẽ hết khi bắt đầu ăn thức ăn rắn. Tuy nhiên, bạn cần đứa bé đi khám bác sĩ nếu bé trớ sữa kết hợp với các hiện tượng sau đây: Ăn không ngon; Tăng cân chậm; Nấc cục; Thở khó khăn.
Để hạn chế trớ sữa ở trẻ sơ sinh, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
– Khi mẹ cho con bú, giữ bé bú đúng tư thế. Bạn cũng nên cố gắng giữ bé ngồi hoặc đứng thẳng khoảng nửa giờ sau bữa ăn.
– Cho bé bú nhiều lần trong ngày. Không để bé bú quá no.
2. Nôn
Nguyên nhân thường gặp nhất của nôn ở trẻ sơ sinh là do nhiễm trùng đường ruột gây ra bởi vi rút. Bệnh thường bắt đầu với việc bé nôn bất thường, thường bị sốt hoặc tiêu chảy (không nhất thiết theo thứ tự đó). Hầu hết khoảng hai, ba ngày bé sẽ hết nôn.
Bạn cần phải đặc biệt chú ý tình trạng bị mất nước do nôn ở trẻ sơ sinh. Nếu thấy bé bị khô miệng và không có nước bọt thì cần cho bé đi khám bác sĩ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, nôn mửa ở trẻ sơ sinh có thể do đường tiêu hóa của bé có dị dạng. Một trong những dị dạng phổ biến là hẹp môn vị. Hầu hết trẻ có các triệu chứng hẹp môn vị thường từ 3 đến 5 tuần. Nếu bé bị chuẩn đoán hẹp môn vị thì bạn cần cho bé phẫu thuật.
3. Hội chứng Colic (khóc dạ đề)
Hội chứng Colic xảy ra khi trẻ được một vài tuần tuổi. Hội chứng Colic đặc trưng bởi hiện tượng trẻ khóc dai dẳng không rõ nguyên nhân, khóc vào thời điểm cố định trong ngày (thường là chiều tối hoặc tối- dân gian gọi là “khóc dạ đề”).
Hội chứng Colic gây ra tình trạng quấy khóc không rõ nguyên nhân ở trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa
Trẻ có dấu hiệu mặt đỏ bừng, tay nắm chặt, chân co và uốn cong người khi khóc. Trận khóc của trẻ thường diễn ra dai dẳng theo nguyên tắc ba: ít nhất 3 tiếng mỗi lần, mỗi tuần ít nhất 3 lần và kéo dài ít nhất 3 tuần.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra Colic cho trẻ sơ sinh. Một số giả thiết được đưa ra như: Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ bị rối loạn tiêu hóa dẫn tới đầy hơi, táo bón hay tiêu chảy.
Bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản (Gerd) cũng là một nguyên nhân được đưa ra khi trẻ bị Colic. Một số trường hợp hội chứng Colic xảy ra do trẻ bị dị ứng với sữa bò hoặc không dung nạp lactose. Gần đây, các nhà khoa học đưa ra một nguyên nhân khác gây ra hội chứng Colic cho trẻ sơ sinh do hình thành bóng hơi trong dạ dày trẻ nhỏ, gây ra những cơn đau đột ngột cho trẻ.
Hôi chứng Colic thường xảy ra vào khoảng thời gian chiều tối hoặc tối, do đó giấc ngủ của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề. Trẻ ngủ không đủ giấc ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển trí tuệ của trẻ.
4. Táo bón
Táo bón là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Táo bón biểu hiện như đi tiêu ít hơn 3 lần/ tuần, phân cứng, buồn đi nhưng không đi được đôi khi có vết máu trong phân. Hậu quả khiến bé biếng ăn, quấy khóc, chậm lớn. Để lâu có thể dẫn đến tình trạng viêm ruột.
Trẻ bị táo bón thường biếng ăn, quấy khóc, chậm lớn. Ảnh minh họa
Chế độ ăn thiếu chất xơ, uống không đủ nước, lười vận động là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra báo bón chức năng ở trẻ nhỏ. Một vài những biến chứng trầm trọng có thể xảy ra như trĩ, nứt hậu môn, trẻ mất phản xạ đi tiêu.
Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây giúp bổ sung chất xơ hiệu quả cho trẻ. Mỗi độ tuổi khác nhau, mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho con. Ngoài ra, việc giúp trẻ vận động thường xuyên rất tốt cho sự vận động của hệ tiêu hóa.
Ở châu Âu hiện nay, một số loại thảo dược chuẩn hóa đã được đưa vào điều trị táo bón cho trẻmà mẹ có thể tham khảo như dịch chiết cây Manna, dịch chiết cây Cẩm Quỳ, nước ép từ Táo Tây và Mận tây. Một số loại chất xơ thực vật như inulin từ cấy rau diếp xoăn và pectin từ quả táo tây cũng được sử dụng rộng rãi trong điều trị táo bón cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
5. Các rối loạn tiêu hóa khác
Ngoài các vấn đề kể trên bé còn có thể gặp phải các rối loạn tiêu hóa sau:
– Không dung nạp thực phẩm: Nhiều bé gặp vấn đề không dung nạp sữa trong những ngày đầu tiên. Thông thường tình trạng này sẽ giảm dần. Nếu bé vẫn tiếp tục nôn mửa và tiêu chảy mỗi lần cho ăn thì bạn cần phải đưa bé đi gặp bác sĩ nhi khoa. Không dung nạp thực phẩm thường xảy ra do nhiễm trùng máu, sinh non, dạ dày dị dạng bẩm sinh.
– Đau bụng, đầy hơi: Bé thường bị đau bụng, đầy hơi do quá no hoặc quá đói. Mẹ nên cho bé ăn theo đúng thời gian, không nên để cho bé bị quá đói hay ăn quá nhiều.
Để phòng chống rối loạn tiêu hóa cho bé bạn nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu. Sữa mẹ chứa nhiều đạm whey, loại đạm dễ tiêu hóa nên sẽ phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé.
Ngoài các chất dinh dưỡng cần thiết giúp bảo vệ bé, sữa mẹ còn chứa chủng vi sinh vật có lợi probiotics (bifidobacteria và lactobacilli), đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch của bé.