Khi thai nhi 12 tuần tuổi tức là mẹ bầu sắp bước qua giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, cảm giác ốm nghén dần biến mất khiến chị em khỏe mạnh và có sức sống hơn.
Nhìn lại chặng đường mang thai 3 tháng đầu chắc chắn nhiều mẹ cảm thấy dài biết bao vì phải đối mặt với triệu chứng ốm nghén. Nhưng giờ đây khi thai nhi 12 tuần tuổi, mẹ và bé đã cùng bước qua 1/3 chặng đường thai kì, những nguy hiểm ban đầu đe dọa thai nhi cũng dần qua đi.
Sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi
Bước vào mốc 12 tuần tuổi, thai nhi đã có nhiều sự thay đổi quan trọng. Bé có thể nặng gần 15 gram, dài khoảng 5,5 cm, xương trở nên cứng cáp hơn nên trông ra dáng của một hài nhi vì các bộ phận cơ thể đã hoàn thiện từ đầu đến chân. 12 tuần tuổi, các tế bào thần kinh, khớp thần kinh phát triển nhanh chóng trong não thai nhi.
Nhịp tim thai đập nhanh, đạt khoảng 160 nhịp/phút nên nghe rõ ràng khi siêu âm. Các ngón tay, chân đã tách rời, vân tay cũng lờ mờ xuất hiện.
Làn da của bé lúc này còn khá mỏng nhưng ruột đã phát triển hoàn chỉnh và hút thức ăn thông qua dây rốn vào khoang ruột của bé. Thận cũng bắt đầu bài tiết nước tiểu.
Thai nhi 12 tuần mới có kích thước như một quả chanh nhỏ, bụng bầu của mẹ mới nhô ra chút ít
Đáng chú ý nhất trong sự phát triển của thai nhi vào giai đoạn 12 tuần, đó là bé đã hình thành các phản xạ. Các ngón tay do đã tách rời nên có thể thoải mái co nắm, ngón chân cong. Mắt vẫn nhắm chặt nhưng miệng có phản xạ mút. Ở một số em bé, khi mẹ gõ nhẹ vào bụng có thể vặn mình phản ứng, đây được gọi là phản xạ thai máy. Những cử động này rất nhẹ nên nếu mẹ mang thai lần đầu có thể chưa có kinh nghiệm để cảm nhận phản ứng của bé.
Đặc biệt đây là thời điểm quan trọng (thai 11-13 tuần 5 ngày) để đo độ mờ da gáy nhằm đánh giá sự bất thường nhiễm sắc thể có thể dẫn tới hội chứng Down, tim bẩm sinh, thoát vị cơ hoành. Nếu độ mờ da gáy lớn hơn 3 mm nhiều khả năng thai nhi có khả năng bệnh lý trên 70%.
Những thay đổi của mẹ bầu khi con yêu 12 tuần tuổi
Đây là tuần cuối trong giai đoạn 3 tháng đầu, sự thay đổi các hormone trong cơ thể mẹ bầu đã bắt đầu ổn định làm giảm triệu chứng ốm nghén khó chịu. Chị em như bước vào thời kì tận hưởng cảm giác làm mẹ vui vẻ.
Ngoại hình của chị em cũng dần trở nên đầy đặn, một vài người đã xuất hiện bụng bầu nên cần thay đổi trang phục rộng rãi, thoải mái hơn.
Vùng kín của chị em luôn trong tình trạng ẩm ướt do ra nhiều khí hư màu trắng – đây là hiện tượng sinh lý bình thường khi mang thai. Mẹ bầu cần vệ sinh âm đạo thường xuyên, tránh để vi khuẩn hình thành gây ra nấm âm đạo hoặc khí hư có mùi hôi hoặc màu vàng, xanh. Khi đi làm, bạn có thể dùng băng vệ sinh hàng ngày và thay thường xuyên nếu khí hư ra nhiều.
Một số mẹ bầu lần đầu có cảm giác ợ nóng rất khó chịu do nhau thai tăng tiết hormone progesterone khiến axit dạ dày trào ra ngoài thực quản.
12 tuần là cột mốc siêu âm quan trọng nhằm phát hiện dị tật thai nhi thông qua việc đo độ mờ da gáy
Mặc dù còn hơn 6 tháng nữa mới đến ngày sinh nở nhưng cơ thể mẹ bầu đã bắt đầu sản xuất sữa non – chất dinh dưỡng để nuôi bé trong những ngày đầu tiên sau khi bé chào đời trước khi những dòng sữa mẹ trắng thơm chính thức chảy ra.
Lời khuyên cho cha mẹ khi thai nhi 12 tuần tuổi
– Thông báo tin vui mang bầu rộng rãi: Nhiều cặp vợ chồng vì kiêng tránh “nói trước bước không qua” nên sau khi mẹ và bé an toàn bước qua 3 tháng đầu mới bắt đầu loan tin mang thai rộng rãi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
– Chị em cần lựa chọn bệnh viện phụ sản hoặc bác sĩ khám thai riêng để đều đặn khi khám định kì.
– Cha mẹ cần bắt đầu hoạch định một khoản ngân sách về việc sinh đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh khi mẹ nghỉ sinh con.
– Cơ thể mẹ bầu còn chưa quá nặng nề, khó khăn di chuyển vì vậy bạn nên đăng kí tham gia các lớp học tiền sản để có thêm kinh nghiệm chăm sóc thai kì và em bé.