‘Điểm nóng’ ngã tư Amata

 Ở Đồng Nai, cùng với ngã tư Tam Hiệp, ngã tư Amata từng là điểm nóng về kẹt xe và tai nạn giao thông. Do đó, vi phạm của người đi đường cũng cao và CSGT thường túc trực nơi đây.

Điểm nóng ngã tư Amata - Ảnh 1.

Ôtô, xe máy bị CSGT thổi còi ra hiệu lệnh dừng xe ngay dưới gầm cầu vượt ngã tư Amata – Ảnh cắt từ clip

Hằng ngày vào hai buổi sáng – chiều đều có CSGT túc trực tại ngã tư này. Những xe bị thổi phạt chủ yếu lưu thông trên quốc lộ 1, hướng từ ngã tư Tam Hiệp về đây.

Hầu hết xe máy bị thổi phạt do từ quốc lộ 1 rẽ vào đường Đồng Khởi mà không bật đèn xinhan báo chuyển hướng, còn ôtô các loại bị mắc lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Lỗi này có mức phạt từ 1,2 – 2 triệu đồng và tước bằng lái từ 1 – 3 tháng.

Điều rất lạ là tại đây, bình thường khi không có CSGT thì các trụ đèn tín hiệu ở giao lộ đều hoạt động bình thường, có đếm giây trừ lùi.

Còn khi có CSGT xuất hiện thì hệ thống đếm giây trừ lùi của đèn giao thông trên hướng quốc lộ 1 từ ngã ba Tam Hiệp về Cầu Sập không hiển thị, trong khi các hướng khác vẫn hoạt động bình thường.

Đây là lý do nhiều tài xế cho rằng mình bị bẫy bởi đèn đang xanh thì chợt đỏ chứ không cố ý vi phạm.

Trong ba tuần cuối tháng 6, hầu như ngày nào CSGT cũng có mặt tại ngã tư Amata và xử lý các phương tiện vi phạm. Mỗi ca làm việc gồm 3-4 người, đi trên 1 xe tải, 1-2 môtô chuyên dụng, có khi có cả xe 7 chỗ.

Trong đó, một hoặc hai CSGT dựng môtô ngay ngã tư, dưới gầm cầu vượt, theo dõi dòng xe hướng từ ngã tư Tam Hiệp lên và ra hiệu dừng xe khi phát hiện vi phạm.

Việc phát hiện, ra hiệu lệnh dừng xe và xử phạt của tổ CSGT ở ngã tư Amata có quy trình, chặt chẽ.

Theo đó, khi phát hiện có phương tiện vi phạm, CSGT đứng chốt tiến ra giữa ngã tư, ra hiệu lệnh dừng xe, hướng dẫn cho lái xe dừng xe ngay dưới gầm cầu vượt.

Điểm nóng ngã tư Amata - Ảnh 3.

Người vi phạm xếp hàng để vào gặp CSGT ở bên trong chốt bảo vệ khu công nghiệp – Ảnh cắt từ clip

Khi xe đã dừng, CSGT giơ tay chào người cầm lái, thông báo lỗi và yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra.

CSGT này không lập biên bản vi phạm mà giữ lại một loại giấy tờ rồi chỉ về hướng chốt bảo vệ của Khu công nghiệp Amata – cách đó vài chục mét – nơi có hai CSGT khác ngồi bên trong để xử lý. Lớp cửa kính của chốt được chắn bằng các tấm bìa cactông.

Để vào chốt, người vi phạm phải đi bộ băng qua ngã tư xe cộ đông đúc. Sau khi được xử lý bởi các CSGT ngồi trong chốt sẽ được nhận lại giấy tờ do CSGT đứng dưới gầm cầu vượt trả cho.

Có một trường hợp một người đi xe máy bị thổi phạt rút tiền định đưa nhưng vị CSGT khoát tay, mời vào chốt.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy nhiều lúc có nhiều người phải xếp hàng ở cửa để lần lượt vào bên trong. Có người mất 1-2 phút, có người vào chỉ vài chục giây là quay trở ra.

Tại đường Nguyễn Thành Phương (P.Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) – điểm giao đường sắt với đường bộ là nơi thường xảy ra ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm hoặc khi có tàu hỏa chạy qua. Tại đây, chiều 20-6, có một nhóm 3 CSGT làm nhiệm vụ.

Hai CSGT liên tục ra tín hiệu dừng xe máy, ôtô các loại, cầm giấy tờ của người vi phạm chuyển vào cho một CSGT đứng phía trong xử lý.

Tại điểm giao nguy hiểm này, thường xuyên có khoảng 10 xe máy bị CSGT thổi, đậu ngổn ngang trên vỉa hè, dưới lòng đường, tràn cả qua vạch giới hạn an toàn đường sắt.

Chỉ khi có tàu hỏa chạy qua, các CSGT mới tạm dừng việc dừng xe người vi phạm, thu gọn xe máy. Tàu qua thì lại liên tục dừng xe, người ra, người vào, ngược xuôi như đi chợ…

Nhóm CSGT này làm việc luôn tay. Có người bị lập biên bản. Cũng có người đưa giấy tờ rồi lại rút ví, đưa tiếp. Những người này không bị lập biên bản, được trả lại giấy tờ xe, tiếp tục hành trình.

Theo tuoitre

SHARE