Nếu bạn không muốn ai đó ngáp, đừng bao giờ cho họ xem hình ảnh hoặc thậm chí là nói với họ về vấn đề đó bởi nó chỉ khiến họ buồn ngáp hơn mà thôi. Đó chính là kết luận từ nghiên cứu vừa công bố trên trên tạp chí Current Biology, qua đó giúp người ta hiểu hơn về hiện tượng lây ngáp vốn được biết tới nhưng ít được mang ra nghiên cứu một cách nghiêm túc. Còn nếu bạn không muốn tiếp tục ngáp, tuyệt đối đừng xem video bên dưới.
Trên thực tế, con người không phải là loài động vật duy nhất có hiện tượng lây ngáp này mà khỉ, tinh tinh và cả chó cũng thường xuyên bị. Đáng chú ý hơn, không chỉ khi nhìn mà thậm chí nghe cá thể khác ngáp cũng khiến bị ngáp theo. Để tìm hiểu lý do tại sao, các nhà nghiên cứu đã dùng những đoạn phim quay lại cảnh người ta ngáp để “truyền nhiễm ngáp” cho một nhóm 36 người trưởng thành. Trong quá trình xem video, những người này được xen kẽ yêu cầu ngáp bất cứ khi nào buồn hoặc tìm cách kiềm chế bằng mọi giá.
Stephen Jackson, nhà nghiên cứu thần kinh học tại Đại học Nottingham, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết thử nghiệm cho thấy con người có thể tự kiềm chế việc ngáp trong một chừng mực nào đó. Tuy nhiên, việc nói với họ là đừng ngáp không mang lại giá trị gì, nói cách khác là không làm cho tần suất ngáp giảm đi. Kỳ thực khi được yêu cầu đừng ngáp, nhận thức về nhu cầu ngáp và cách ngáp của người đó bị thay đổi, có thể khiến cho người đó hình thành xu hướng muốn ngăn chặn hành động ngáp. Nhưng dù sao đi nữa thì rổng số lần ngáp vẫn không đổi giữa 2 yêu cầu ngáp thoải mái và cố kiềm chế ngáp. Từ đó, các nhà khoa học nhận thấy rằng việc lây lan ngáp không hoàn toàn nằm trong kiểm soát của con người.
Trên bình diện chung, tổng số lần ngáp trung bình của mỗi tình nguyện viên trong cùng một khoảng thời gian là như nhau bất kể họ nhận được yêu cầu gì. Tuy nhiên tùy theo đối tượng mà sẽ có đôi chút biến động, nghĩa là có người ngáp nhiều hơn người khác. Để xác định điều gì đã tạo nên sự khác biệt này, nhóm nghiên cứu quyết định lặp lại thử nghiệm cho coi video ngáp, song song với đó cũng là những lần xen kẽ yêu cầu không ngáp và ngáp thoải mái. Đồng thời, lần này mỗi tình nguyện viên được gắn thêm thiết bị kích thích từ tính (TMS), một cỗ máy dùng sóng từ để đo lường sự kích thích của vỏ não vận động.
Việc đo lường mức độ bị kích thích của vỏ não vận động sẽ cho các nhà nghiên cứu biết được tốc độ gởi tín hiệu của các tế bần thần kinh, từ đó thúc đẩy con người đưa ra hành động ngáp. Mức độ kích thích này là khác nhau đối với mỗi người. Thí dụ như khi chơi thể thao, những người có mức độ kích thích vỏ não vận động nhanh hơn thường sẽ có khả năng phản xạ trước các hành động cao hơn so với những người khác. Kết quả của thử nghiệm lần 2, những người có càng nhiều kích thích vỏ não vận động thì tần số ngáp có xu hướng nhiều hơn người khác.
Điều đó có nghĩa là những người có bộ não “năng động hơn” sẽ khiến những hành động vô thức và tự nhiên dễ dàng được thực hiện hơn, dễ bị lây lan các hành động hơn ngay cả khi họ vẫn không hoàn toàn hiểu được đã bị lây như thế nào. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện lần này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao con người lại ngáp hoặc bị lây ngáp mà rộng hơn nữa, nó còn giúp tăng các bác sĩ biết được rằng vùng não chịu trách nhiệm cho hành vi ngáp không tự nguyện của con người cũng có liên quan tới một số rối loạn thần kinh khiến người bệnh thực hiện các hành động lặp đi lặp lại, điển hình như hội chứng Tourette.”
Jackson cho biết: “Có nhiều tương đồng giữa cơ chế của hội chứng Tourette và việc lây ngáp. Nhiều bệnh nhân Tourette cho biết họ nhận thấy bản thân luôn tạo ra các âm thanh tic tic hoặc các hành động lặp đi lặp lại trong vô thức và điều đó cũng giống như bị lây ngáp. Có người còn phát hiện rằng họ ngáp mà không nhận thức được mình đang làm điều đó. Tương tự, nếu như quy tụ các bệnh nhân Tourette lại với nhau thi các hành vi triệu chứng bệnh cũng sẽ bị lây từ người này sang người kia mà chính bản thân họ không nhận thức được điều đó.”
Qua việc phát hiện ra cơ chế này, các bác sĩ sẽ có thêm hướng tiếp cận mới trong việc tìm cách chữa các bệnh như Tourette cùng nhiều loại bệnh khác. Còn riêng ngáp cũng không quá nguy hiểm, miễn dừng ngáp khi đang họp hoặc đi chơi với bạn gái là được . Riêng mình viết đến đây cũng khá là mỏi miệng rồi đó <3