Thách nhau ăn, “rước” đủ bệnh

Thời gian qua, các cuộc thi thách thức ăn uống (phở, mì cay, trà sữa, pizza…) rộ lên, nhiều người tham gia phải “ăn quá no, uống quá nhanh” mà không nghĩ nguy cơ bệnh đang tiềm ẩn.

Thách nhau ăn, rước đủ bệnh - Ảnh 1.

Một cuộc thi ai ăn bánh ngọt nhiều nhất trong thời gian ngắn cho bạn trẻ tại TP.HCM

Trong một cuộc thi ăn hết chiếc bánh “khủng” 2,2kg/chiếc (nguyên liệu từ bơ, đường, trứng, sữa…), người chơi sẽ nhận được 1 triệu đồng nếu đạt hết các yêu cầu sau: ăn trong vòng 30 phút, trong lúc ăn không được vào nhà vệ sinh, không được để sót lại mẩu bánh nào.

Nếu người chơi không thực hiện đúng, đủ những yêu cầu trên thì phải đóng tiền bằng chi phí làm bánh.

Hãy xem những cuộc thi ăn uống như một trò chơi và chơi phải vừa sức, đừng vì phần thưởng mà ép bản thân ăn uống quá nhiều so với mức dung nạp của cơ thể.

ThS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG

Bệnh cấp tính và mãn tính

Nhiều người đã mắc bệnh do ăn quá nhiều trong những cuộc thi như thế, hệ tiêu hóa “căng cứng” sẽ sinh ra đủ thứ bệnh.

Theo các bác sĩ dinh dưỡng, ngoài ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa thì việc ăn uống quá no, quá nhanh còn gây ra một số vấn đề sức khỏe.

TS Trần Quốc Cường – phòng kế hoạch tổng hợp, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – cho biết các cuộc thi kỷ lục về ăn uống, các buổi nhậu “độ” kéo dài hay có trường hợp rơi vào cảnh phải vào viện vì ăn quá no, quá nhanh. Cho dù tham gia dưới hình thức nào thì người tham gia cũng mắc phải nguy cơ bệnh cấp tính và mãn tính.

Về cấp tính, do đưa một lượng thức ăn quá lớn vào dạ dày khiến hệ tiêu hóa phải “làm việc cật lực” và “đuối” ngay sau đó vì hệ thống tiêu hóa không sản xuất đủ axit có trong dạ dày và enzyme có trong đường tiêu hóa để xử lý lượng thức ăn được đưa vào liên tục. Lúc này, người ăn cảm thấy trướng bụng, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Ngoài ra còn gặp cảnh viêm dạ dày (đặc biệt là trong trường hợp nhịn đói trước khi thi đấu, sử dụng rượu bia thường xuyên) và nặng hơn là viêm tụy cấp sau một bữa ăn rất thịnh soạn, đặc biệt là có dùng nhiều rượu bia.

“Viêm tụy cấp biểu hiện bằng đau bụng nặng, buồn nôn, nôn ói… Người ăn nhiều nếu gây nôn hoặc nôn tự nhiên cũng có thể kích thích làm viêm thực quản do axit của dịch dạ dày đi qua thực quản” – TS Cường giải thích.

Nguy cơ đột quỵ

ThS Trần Ngọc Lưu Phương – trưởng đơn vị tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) – cho biết đối với những người đã mắc các bệnh về đường ruột, tiêu hóa như viêm loét bao tử, trào ngược dạ dày… thì cơn đau dễ bị “kích hoạt” nếu ăn uống quá no, nghiêm trọng hơn có thể bị tắc ruột.

Đối với những người không hề hay biết mình đang mắc bệnh sỏi mật (hơn 80% các trường hợp mắc bệnh sỏi mật không hề có dấu hiệu khác thường), khi ăn quá no sẽ “kích thích” những cơn đau do sỏi co bóp, gây sưng túi mật cấp tính hoặc vàng da tắc mật.

ThS Lưu Phương cũng cho biết thêm việc ăn quá no làm cho não bộ thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết, gây ức chế hệ thần kinh não bộ khiến người lừ đừ, thiếu minh mẫn, chán ăn nhiều ngày.

Về lâu dài, nếu kéo dài thói quen này sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp và là tiền đề của các vấn đề sức khỏe nặng hơn về sau như bệnh gout, đái tháo đường, đột quỵ, thiếu máu cơ tim.

Làm gì khi quá no?

TS Trần Quốc Cường cho biết để xử lý cấp tính không nên gây nôn (trừ trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm), cần vận động đi lại nhẹ nhàng giúp nhu động ruột tiêu hóa tốt hơn, nếu nằm nghỉ cần nằm đầu cao, uống nước từng ít một giúp tiêu hóa tốt hơn. Nếu có đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn ói thì nên đến khám tại cơ sở y tế.

Về lâu dài, ăn vừa đủ no, không thường xuyên ăn quá no và quá nhanh, có lối sống điều độ, thể dục thể thao thường xuyên.

Nhai kỹ no lâu

Nhai là quá trình rất cần thiết để nghiền nát thức ăn. Nhai kỹ trước khi nuốt giúp thức ăn dễ dàng được tiêu hóa, thưởng thức trọn vẹn hương vị món ăn và ăn ngon miệng. Đặc biệt ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp cơ thể hấp thu tối đa chất dinh dưỡng từ thức ăn, trạng thái no được kéo dài lâu hơn.

Theo Tuoitre

SHARE