Nuôi “giấc mơ” ô tô giá rẻ để rồi có “vỡ mộng” hay không?

Hàng nghìn người dân lâu nay vẫn mơ có chiếc xe bốn bánh đi lại, “mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu”. Thế nhưng đầu năm 2018 tới, khi thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm còn 0%, liệu giấc mơ ô tô giá rẻ của người dân Việt Nam có trở thành hiện thực? Và kể cả khi giá xuống, người ta có còn giữ khát vọng mua xe như thời điểm hiện nay?(Minh hoạ: Ngọc Diệp)Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2018 – tức chỉ còn non 10 tháng nữa, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm còn 0%.Như vậy, một chiếc ô tô từ Thái Lan, Indonesia sẽ có giá khoảng 250 triệu đồng, nếu như hiện nay nhập về Việt Nam bán tới 600 triệu đồng thì sang năm sẽ chỉ còn 450-500 triệu đồng. Giá xe có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống có thể giảm 20-25% so với giá hiện tại.Giá kỳ vọng sẽ giảm mạnh, nên việc nhiều người sốt sắng với kế hoạch mua xe cũng là điều dễ hiểu. Rất nhiều người dân lâu nay vẫn mơ có chiếc xe bốn bánh để đi lại cho an toàn, đỡ mưa nắng, bụi bặm. Nhìn ra thế giới, cũng là những người lao động bình dân, nhưng việc người dân các nước sở hữu một chiếc ô tô tưởng chừng như là điều thật hiển nhiên và đơn giản, như dân mình dùng xe máy, xe đạp vậy. Nói đâu xa, ngay bên cạnh chúng ta, người anh em Lào cũng có thể mua ô tô đi vói giá rẻ hơn nhiều lần so với Việt Nam.Việc giá xe ở ta luôn cao hơn các nước chủ yếu là do chính sách thuế suất. Trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn kém phát triển thì một chiếc ô tô đến khi lăn bánh được giá đã cao hơn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng so với giá bán ở nước ngoài.Thế nhưng, nói là thuế 0% nhưng có phải xe ô nào cũng được giảm như thế đâu. Điều kiện để các dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng thuế suất 0% vào năm 2018 là tỉ lệ nội khối phải 40%, tuy nhiên, số lượng xe đủ điều kiện này lại không nhiều. Những loại xe này chủ yếu năm trong phân khúc trung và cao cấp, như Ford Everest, Toyota Fortuner, Toyota Yaris, Honda Civic, Suzuki Ertiga… giá hiện nay đã 650 triệu đồng, thậm chí có dòng tới 2 tỷ đồng.Nên mới nói rằng, “giấc mơ giá rẻ” có lẽ cũng sẽ vẫn chỉ là “giấc mơ” mà thôi. Chưa kể, tại những thành phố lớn, với mức thu nhập đặt trong tương quan với chi phí cuộc sống hiện tại, nhiều gia đình chật vật mãi mới mua trả góp xong căn hộ, tiết kiệm vài ba năm dư ra được 400-500 triệu đồng, muốn mua một chiếc xe cũng là cả một vấn đề lớn phải cân đo đong đếm. Tâm lý của người Việt vốn nặng về tiết kiệm và tiêu tiền mặt, thế nên, nói vay mượn mua xe, không phải ai cũng dám liều.Tất nhiên, xu hướng tiêu dùng còn phụ thuộc vào vùng miền và tuổi tác, thế hệ. Càng về miền trong, cách chi tiêu càng thoáng, càng là người trẻ, nhu cầu hưởng thụ và thói quen tín dụng tiêu dùng càng cao. Đã thế, các ngân hàng, các công ty tài chính lại 24/7, luôn sẵn sàng có các gói vay trả góp khuyến khích người dân mua ô tô bằng vay nợ. Anh chẳng cần có đến 1 tỷ, nhưng anh cũng có thể sở hữu được một chiếc xe sang.Nên có lẽ, cũng không nên bi quan về nhu cầu sử dụng xe ô tô trong thời gian tới, kể cả khi giảm thuế rồi, giá xe vẫn cao đi chăng nữa.Chỉ có điều, mua một chiếc xe về không đơn thuần là thích, bỏ tiền ra mua một chiếc rồi nổ máy thế là xong. Có rất nhiều vấn đề đau đầu khác khiến người ta phải cân nhắc. Thử tưởng tượng rằng, khi xung quanh bạn nhà nhà mua xe, người người mua xe, mỗi gia đình một chiếc; thậm chí có gia đình điều kiện hơn, hai vợ chồng mỗi người một chiếc… thế rồi đến giờ làm cùng ra đường sẽ lưu thông ra sao?Một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh – nơi tập trung đông dân nhất và cũng là nơi có nhiều người nuôi mộng mua xe nhất, hiện vẫn đang bế tắc với các phương án chống tắc đường. Hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện lưu thông, các chính quyền đã phải tính đến việc đầu tư cho xe bus nhanh (BRT), đường sắt trên cao và các phương tiện giao thông công cộng khác.Điều này cũng có nghĩa là, việc sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là ô tô, không nằm trong diện ưu tiên, thậm chí cần hạn chế. Hay nói cách khác, dù thuế có giảm thì không thể đảm bảo rằng sẽ không có thêm những chính sách thuế, phí mới để hạn chế ô tô cá nhân!Hiện nay, phí sử dụng đường bộ 1 năm đang là 1,56 triệu đồng/xe với dưới 9 chỗ ngồi trở xuống; phí trước bạ (10% đối với các tỉnh), riêng Hà Nội là 12%/giá trị xe (sau khi đã tính thuế nhập khẩu, thuế TTĐB…). Ngoài ra còn lệ phí đăng ký cấp biển theo địa phương là từ 20 triệu đồng/xe ở (Hà Nội, TP.HCM), 2 triệu đồng đối với thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh và thị xã và hơn 200.000 đồng đối với khu vực khác.Do vậy, có khi mua một chiếc xe thì dễ, nhưng để “nuôi” được chiếc xe đó không phải là đơn giản. Rồi còn phải tính đến phí đỗ xe, phí gửi xe tại nhà, gửi xe tại cơ quan, những chi phí khác lưu thông trên đường.Có lẽ, đến khi nào giải được những bài toán vĩ mô từ hạ tầng cho đến chính sách giãn dân, chính sách chi trả lương, thuế phí… thì lúc đó, người dân mới có thể mua xe với tâm trạng thực sự thoải mái và chủ động, chứ không còn là “mơ” để rồi “vỡ mộng”.Bích Diệp

SHARE