Bức ảnh đáng yêu “bữa trưa không thịt của con” và câu chuyện nghẹn lòng phía sau

“Buổi sáng trước khi đi học bố mẹ chuẩn bị cơm và ít trứng rán, hoặc cá kho mặn ơi là mặn, hoặc chỉ có cơm với ít hạt muối thôi… Thế mà mấy nhóc vẫn ăn ngon lành”.Sáng thứ ba bình thường của một tuần đầu tháng 10, người người đều khấp khởi đón chờ một mùa Trung thu với những vui vầy cỏn con của những đứa nít nhỏ. Đâu đó trên mạng xã hội, có những bà mẹ sắm đồ Trung thu cho con, mua cho con cái lồng đèn, hoa quả và bánh trái. Có những bà mẹ đưa con đi chơi, dùng ảnh con làm ảnh đại diện với tóc mái ngố, mặt thơ lơ, đang nắm tay mẹ hay đùa nghịch cùng bè bạn, ở một ngôi trường mầm non nào đó.

Vậy mà đâu đó, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, cũng có hình ảnh những đứa trẻ khác, với mặt mài lấm lem, tay chân gầy gò, mái tóc cháy vàng và đôi mắt tròn xoe long lanh đến lạ. Chúng là những đứa trẻ dân tộc thiểu số, bên cạnh bữa ăn trưa nghèo nàn của mình, chỉ với trứng hoặc canh bí ngô.

Nghẹn lòng trước câu chuyện về bữa cơm đạm bạc của những em bé vùng cao ngay ngày Trung Thu - Ảnh 1.

Bữa cơm giản đơn của những em bé vùng cao.

Hằng ngày, nếu vào mùa hè chúng phải lội bộ từ bản làng đến lớp, vẫn còn ngái ngủ, dưới cái oi nồng cháy da cháy thịt, trên lưng cặp sách rách bươm, trên tay lủng la lủng lẳng cái thố cơm lem nhem. Mùa đông, chúng cũng không có gì ngoài tấm áo mong manh không đủ để chúng ấm, giữa những cơn gió lạnh như cắt nơi núi đồi vùng cao.

Nghẹn lòng trước câu chuyện về bữa cơm đạm bạc của những em bé vùng cao ngay ngày Trung Thu - Ảnh 2.

Các em đang cùng nhau đào khoai.

Chúng vẫn cứ thế mà đi, lẩn khuất trong những khắc nghiệt của thời tiết, đi để biết đọc ê a con chữ, để biết viết nghệch ngoạc một chút nghĩa từ, đi vì hy vọng người lớn “nếu mai sau học giỏi, con có thể đổi đời, có thể như bao người, bao đứa trẻ khác, sống một cuộc đời con hằng mong”…

Nghẹn lòng trước câu chuyện về bữa cơm đạm bạc của những em bé vùng cao ngay ngày Trung Thu - Ảnh 3.

Các em luôn đi học cùng nhau, dù nắng hay mưa và trên tay luôn có cặp lồng cơm mang theo đến lớp.

Đó là những tâm sự mà một cô giáo vùng cao đã chia sẻ cùng với bức ảnh đáng yêu gây sốt cộng đồng mạng. Cô kể chuyện các em với hy vọng, câu chuyện được lan tỏa sẽ phần nào giúp các bé được quan tâm, con đường đi học sẽ bớt gian nan. Toàn bộ bài viết được đăng tải trong một hội nhóm có rất đông thành viên như sau:

“Đây là bữa trưa tại trường mầm non chị gái tớ dạy, xa tít mù khơi, đường xá đi lại cực kì khó khăn mà học sinh toàn là các em dân tộc Mông. Quê tớ ở miền Tây Nghệ An nhé! Đến lúc đi học về mỗi đứa xách 1 cái cặp lồng lủng la lủng lẳng, nhìn hay lắm.

Nói thật đúng là kẻ ăn không hết người lần chẳng ra, con cháu mình đến bữa ăn nịnh từng tý, xem điện thoại mới chịu ăn, thức ăn không vừa ý là lại nhè ra, đằng này nhìn mấy nhóc mà thấy xót xa. Buổi sáng trước khi đi học bố mẹ chuẩn bị cơm và ít trứng rán, hoặc cá kho mặn ơi là mặn, hoặc chỉ có cơm với ít hạt muối thôi… Thế mà mấy nhóc vẫn ăn ngon lành.

Nghẹn lòng trước câu chuyện về bữa cơm đạm bạc của những em bé vùng cao ngay ngày Trung Thu - Ảnh 4.

Câu chuyện về sự khắc khổ của những em bé vùng cao được chia sẻ rộng rãi vào ngày Tết của thiếu nhi – Trung thu khiến không ít người nghẹn ngào.

Năm nay nghe nói lại là mùa đông lạnh thế kỉ, trên miền xuôi quần áo ấm đầy đủ, còn mấy nhóc này thì không đâu mọi người ạ. Tớ có 1 thời gian dạy ở trường cấp 2 cũng miền núi, cô ở trên bảng khăn dày sụ, áo ấm sực, mà nhìn xuống mấy đứa mặc có mỗi sơ mi. Giờ ra chơi ngồi trong lớp mặt tím tái, hôm sau lục tủ lấy mấy cái áo ấm cũ đưa vào trường gặp riêng cho mấy đứa. Tội lắm!

Chuẩn bị chắc qua tháng vợ chồng tớ đi xin ít đồ cũ của các gia đình và hội từ thiện để vô bản cho các em, không có nhiều thì cho các em ít, hy vọng các em sẽ đỡ lạnh hơn….”.

Câu chuyện ngắn, được đăng tải chưa bao lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng, chẳng mấy chóc bài viết đã nhận được hơn hàng chục nghìn lượt like và hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận khác. Đa số bình luận đều tỏ ra xót ra trước hình ảnh đăng kèm của câu chuyện mà cho rằng, quả thật có những mảnh đời cơ cực mà không được kể, không được nghe thì không thể nào nhìn thấu được. Chưa kể, nhìn vào ánh mắt ngây thơ đến trong veo của các em, không ít người nghẹn lòng.

Nghẹn lòng trước câu chuyện về bữa cơm đạm bạc của những em bé vùng cao ngay ngày Trung Thu - Ảnh 5.

Những bình luận của cư dân mạng.

Liên hệ trực tiếp với người đăng bài chia sẻ, chị cho biết những bức ảnh này được chị gái của chị – người trực tiếp đứng lớp ghi lại. Và nơi đó chính là huyện Con Cuông, một huyện ở miền Tây của tỉnh Nghệ An. Chị kể bằng những quan sát và kinh nghiệm của một giáo viên cấp 2 từng dạy ở vùng cao như sau:

“Các em đi học ở đây 100% là thuộc dân tộc Mông và tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Đều đi bộ đến lớp, lội qua khe suối là chuyện bình thường, xót nhất là vào mùa đông, ở trên cao lạnh nên các em đến được tới lớp là da thịt tím tái hết cả lên.

Nhưng vui một cái là các em đi học rất chăm chỉ, hầu như đứa nào cũng hào hứng đến lớp, dù ngày mưa hay ngày nắng luôn. Đó là lý do chị mình gắn bó với các em và thương các em như con em trong nhà”.

Nghẹn lòng trước câu chuyện về bữa cơm đạm bạc của những em bé vùng cao ngay ngày Trung Thu - Ảnh 6.

Các em lúc nào cũng trong bộ dạng lem luốc.

Và khi được hỏi về cuộc sống của một giáo viên nơi vùng cao, cô cũng nghẹn ngào kể: “Thật tình mà nói vất vả lắm, nhất là mùa khai giảng, khi đó hầu như cô giáo nào cũng phải đi từng nhà, từng bản làng để kêu gọi mọi người cho con em đi học đi. Chị mình cũng thế! Chị mình thì ngủ tại trường luôn, điều kiện rất khắc nghiệt, nhất là vào những khi đỉnh điểm của mùa nóng hoặc mùa lạnh. Nhà chị mình cách trường 180km, mà quãng đường lại khó đi, dốc, bùn lầy nên chị mình cả tháng mới về nhà một lần”.

Nghẹn lòng trước câu chuyện về bữa cơm đạm bạc của những em bé vùng cao ngay ngày Trung Thu - Ảnh 7.

Trường của các em cũng nằm ở vị trí hiểm trở, hẻo lánh với con đường lúc nào cũng bùn lầy khó đi.

Chị cũng nói, thật sự khi thấy điều kiện của các em khó khăn như vậy thì bản thân những thầy cô giáo trực tiếp dạy dỗ các em cũng không thiết tha gì với cuộc sống hiện đại tiện nghi ngoài kia, bởi thật tình, muốn hiểu và thương các em nhiều hơn thì phải sống trong cùng cảnh ngộ với các em, ăn cơm cùng các em, vui đùa cùng các em. Đó cũng chính là lý do khiến những thầy cô giáo đến dạy ở vùng cao ban đầu thì có vẻ thấy gian nan vất vả, nhưng về sau họ chấp nhận cuộc sống như các em, điều đó xuất phát từ tình thương.

Theo Thời đại

SHARE