Trong môi trường công sở hay cả bên ngoài xã hội, chuyện chơi xấu thường xuyên xảy ra khi đối thủ cảm thấy bị bạn đe dọa ở một phương diện nào đó và họ phải “ra tay” với bạn để phòng những hiểm họa mà bạn có thể gây ra với họ.
Việc bạn bị chơi xấu không có nghĩa bạn là kẻ xấu tính mà trên thực tế có thể vì bạn tài giỏi hơn họ. Nhất là trong môi trường công sở, khi đối phương cảm thấy ganh ghét vì bạn có năng lực hơn họ, có thể đe dọa vị trí mà họ đang nhắm đến, vì thế họ ra tay với bạn..
Biểu hiện của chiêu “mượn gió bẻ măng” là ban đầu họ vẫn cư xử bình thường với bạn, chơi với bạn, thậm chí giúp đỡ bạn. Nhưng khi có chuyện xảy ra, họ sẽ nhân cơ hội để “dìm” bạn xuống. Nếu nhẹ nhàng thì đó chỉ là việc họ đi nói xấu bạn với những người khác, lôi chuyện gia đình, bằng cấp hoặc cá tính của bạn ra để kể.
Nặng nề hơn, đồng nghiệp của bạn còn có thể dùng đến các “tiểu xảo” về chuyên môn để đổ lỗi cho bạn trong công việc, thường xuyên rình mò những sai sót của bạn để báo cáo với cấp trên hoặc kể lể với các đồng nghiệp khác. Có rất nhiều người đã không chịu nổi áp lực bị “chơi xấu” như bị chia bè phái cô lập, bị trù úm, bị chơi tiểu xảo sau lưng mà phải nghỉ việc.
Không những thế, nhiều người còn có chiêu trò cực kì cao tay khi tấn công vào… hậu phương của đồng nghiệp. Khi không thể “dìm hàng” được bạn trong công việc hay nói xấu bạn với sếp không hiệu quả, đối thủ của bạn có thể trực tiếp tấn công gia đình và người thân của bạn.
Như đã nói ở trên, những người “đâm sau lưng” thường tỏ ra thân thiết với bạn từ đầu và họ sẽ làm quen với gia đình bạn chẳng hạn như thường xuyên đến nhà bạn chơi, đi ăn với vợ/chồng bạn, thậm chí kết bạn với vợ/chồng bạn trên mạng xã hội.
Sau đó, họ sẽ chat với vợ/chồng bạn để kể tội bạn ở công ty nhằm chia rẽ gia đình bạn. Chẳng hạn như hôm nay bạn đi ăn với đồng nghiệp nữ hay vô tình đỡ lúc đồng nghiệp chuẩn bị vấp ngã, đối phương thường nhân cơ hội chụp ảnh lại và gửi cho vợ bạn. Mục đích của họ là để gia đình bạn lục đục, mâu thuẫn và khi hậu phương không vững chắc thì sự nghiệp cũng sẽ tiêu tàn.
“Dằn mặt”, lôi kéo ma mới
Chuyên gia tâm lý Robert B. Cialdini từng nói rằng: “Khi bạn mới chân ướt chân ráo bước vào công ty, bạn cần chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý vững vàng để đối mặt với mọi tình huống có thể xảy ra. Một trong số đó là sự ganh đua, tị nạnh của những đồng nghiệp khác. Rất có thể bạn sẽ trở thành nạn nhân của những trò chèn ép hay những cuộc bàn tán xôn xao”.
Trong cuộc sống ai cũng từng trải qua lần đầu bỡ ngỡ đi xin việc khi vừa tốt nghiệp hoặc chuyển từ công ty cũ sang công ty mới. Và chẳng cần mất nhiều thời gian, nhân viên mới có thể ngay lập tức trở thành “cái gai” trong mắt những đồng nghiệp sành sỏi. Họ bắt nạt nhân viên mới vừa để “dằn mặt” vừa để khẳng định vị trí của mình hoặc đôi khi bắt nạt theo trào lưu.
Những trò bắt nạt “ma mới” này có thể diễn ra ngấm ngầm chứ không ồn ào, lộ liễu nhưng cũng đủ khiến nạn nhân cảm thấy căng thẳng, khó hoà nhập với công việc mới và tự xin nghỉ việc. Chẳng hạn như việc tỏ ra lạnh lùng, thờ ơ và không thèm tiếp chuyện nhân viên mới dù họ đã chủ động bắt chuyện. Xa hơn nữa là không thèm trả lời hoặc “giấu nghề” khi họ nhờ hướng dẫn.
Bên cạnh đó, một số đồng nghiệp “cao tay” hơn còn tỏ ra thân thiết, vẫn trò chuyện và hướng dẫn “ma mới” nhiệt tình nhưng lại ngấm ngầm hãm hại sau lưng. Họ lợi dụng niềm tin và sự không đề phòng của nhân viên mới để đưa thông tin sai tới khách hàng hoặc sếp. Mục đích của những chiêu trò này là nhằm hạ bệ hoặc thậm chí khiến nhân viên mới phải nghỉ việc ngay lập tức.
Câu chuyện của Lan Anh là một ví dụ. Ngày đầu đến công ty, Lan Anh làm quen được với chị Hoa – một người làm cùng nhóm nhiệt tình và chủ động hướng dẫn cô. Ngày hôm sau, khi sếp bảo gửi bảng báo giá cho khách hàng, Lan Anh đã xin từ chị Hoa bảng báo giá chi tiết và ngay sau khi gửi tới khách hàng, cô đã bị sếp gọi lên mắng xối xả vì gửi báo giá… thấp hơn một nửa so với giá của nhà cung cấp.
Có thể nói, sự cạnh tranh, ganh đua ở chốn công sở là điều khó tránh khỏi, nhất là đối với những nhân viên mới đến. Bạn có thể chọn phương án là không tương tác, không làm việc và không tiếp xúc với những người đã chèn ép mình. Nhưng phương án tốt nhất là hãy bắt đầu “chiến đấu” lại những trò chèn ép của đồng nghiệp và chứng minh rằng bạn không phải là kẻ dễ bắt nạt.
Làm sao để đối phó với “mưu hèn kế bẩn” chốn công sở?
Có vô vàn chiêu thức, mưu kế để hãm hại đồng nghiệp mà chỉ có thể bắt gặp ở môi trường công sở. Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng phổ biến nhất thường là để lấy lòng sếp, thi đua, cạnh tranh doanh số, leo lên vị trí cao hơn hoặc giữ vị trí hiện tại.
Thậm chí, đôi khi chỉ vì ghen ghét khi thấy đồng nghiệp xinh đẹp, giỏi giang và giàu có hơn mình mà nhiều người bất chấp thủ đoạn để “hạ bệ” đối phương, ngay cả khi đó là người đã từng rất thân thiết với họ.
Để đối phó với những “mưu hèn kế bẩn” này, bạn cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, làm việc cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu và nên có kiến nghị thẳng với sếp nếu như công việc gặp vấn đề. Bạn cần phải nhớ tuyệt đối không được tự ý đưa ra quyết định có liên quan đến công việc chung và cần ý kiến của người thứ ba.
Trong trường hợp bị đồng nghiệp đổ tội, bạn cần luôn lưu giữ bằng chứng công việc mình làm. Trong các cuộc họp nhóm, bạn nên lưu lại những bản báo cáo, thuyết trình và cần thiết thì có thể ghi âm lại cuộc họp. Như vậy, khi đồng nghiệp lăm le chơi xỏ, bạn đã nắm đủ mọi bằng chứng chứng minh mình vô tội, thậm chí có thể lật mặt “kẻ tiểu nhân”.
Bên cạnh đó, bạn cũng đừng tìm cách “ăn miếng trả miếng” để biến mình thành kẻ xấu xa như họ. Thay vào đó, hãy tự nâng cao năng lực bản thân, hoàn thành công việc và báo cáo kết quả sớm, chính xác để sếp biết được năng lực thực sự của bạn.
Ngoài ra, bạn nên duy trì chiến thuật “im lặng là vàng” khi có xung đột xảy ra. Hãy cứ ở tư thế ngẩng cao đầu và làm thật tốt công việc của mình, mặc kệ những kẻ dèm pha nói xấu sau lưng bạn. Đến khi bạn nghe trực tiếp những lời nói từ họ, hãy phản công.
Minh Trường
Theo Trí Thức Trẻ