Theo luật sư, để xác định trách nhiệm của đối tượng mắc bệnh tâm thần có hành vi phạm tội cần xác định rõ vào thời điểm gây án, đối tượng này có biểu hiện tái phát bệnh hay không.
Liên quan đến vụ việc “Bảo vệ dân phố sát hại bé trai 6 tuổi ở Sài Gòn” gây rúng động dư luận những ngày vừa qua, công an quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, đang tạm giữ đối tượng Hoàng Nhất Giang (SN 1989, ngụ quận 11) để điều tra về hành vi “Giết người”. Nạn nhân là cháu N.H.V.K. (SN 2011, ngụ quận Tân Phú).
Hoàng Nhất Giang tại cơ quan công an.
Theo đó, trưa 26/11, Giang đang nằm ngủ trong chốt trực thì trong đầu lại nghe tiếng cháu K. chửi mình. Giang tỉnh giấc thấy cháu K. đang đi mua đồ bên tiệm tạp hoá. Lúc này, Giang lấy con dao xếp gắn lưỡi lam (loại dao thợ cạo tóc thường dùng) cầm trên tay, đi lại phía sau cháu K. rồi dùng dao sát hại cháu. Sau đó, Giang trở về chốt trực như chưa có chuyện gì xảy ra.
Được biết, Giang bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2005 và được điều trị tại bệnh viện tâm thần TP.HCM. Qua thời gian điều trị, Giang ổn định nên được cho về nhà tiếp tục điều trị. Khoảng năm 2013, Giang được vào làm nhân viên bảo vệ của tổ dân phố 2, phường 5, quận 11 và vẫn phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần.
Liên quan đến vụ việc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng LS Gia Đình (Đoàn LS TP. HCM) cho biết, để xác định trách nhiệm của đối tượng mắc bệnh tâm thần có hành vi phạm tội, cần xác định rõ hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, khi thực hiện hành vi phạm tội, hung thủ mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với bị can này phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trường hợp thứ hai, khi thực hiện hành vi phạm tội, hung thủ vẫn có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật Hình sự trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, theo luật sư Hùng, quan trọng là cơ quan điều tra giám định được thời điểm gây án bảo vệ dân phố có biểu hiện tái phát bệnh hay không. Sau đó mới có thể kết luận chính xác việc nghi phạm có mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình khi thực hiện vụ sát hại cháu bé 6 tuổi hay không.
Bộ luật Hình sự số 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người không có năng lực hành vi dân sự thực hiện hành vi phạm tội như sau:
Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.