Không sử dụng giải pháp phòng ngừa khi thanh toán tiền cho đối tác, doanh nghiệp đối diện với rủi ro lớn bị hacker tấn công. Các đối tượng thường tấn công vào tài khoản, tạo email giả và dẫn dụ nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản tin tặc.
doanh nghiệp luôn phải đối mặt với nguy cơ bị hacker lừa đảo chiếm đoạt tiền
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ, tại hội thảo “Thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/12 tại TP.HCM, thống kê số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2016, đã có khoảng 22.000 vụ lừa đảo gây thiệt hại trên 3 tỷ USD.
Các vụ lừa đảo này diễn ra ở 79 quốc gia, trong đó, tội phạm chủ yếu từ các tổ chức tại Đông Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Điều này cho thấy, thương mại quốc tế đã và đang đối diện với nguy cơ bị lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế và thanh toán điện tử, khi cơ sở pháp lý bị giới hạn ở biên giới của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp và các hợp đồng giao thương.
Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung vào một số đối tác chính như EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước ASEAN, Trung Quốc…
Trong những năm qua, cùng với đà tăng trưởng của kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng qua các năm. Trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 349,2 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình thanh toán quốc tế tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thanh toán quốc tế Ngân hàng An Bình cho biết từ năm 2013 đến nay, xu hướng doanh nghiệp chuyển sang phương thức chuyển tiền, thanh toán trực tiếp, ít sử dụng những biện pháp phòng ngừa và phương thức thanh toán qua ngân hàng, tổ chức tín dụng để giảm chi phí.
Tuy nhiên, với những phương thức này, doanh nghiệp đối diện với rủi ro bị tội phạm công nghệ tấn công. Các đối tượng thường tấn công vào tài khoản, tạo email giả và dẫn dụ nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản tin tặc.
Bà Hằng lưu ý trong mỗi giao dịch thương mại, thanh toán quốc tế, doanh nghiệp đều phải bảo đảm 2 bước xử lý độc lập với điều kiện cả người soạn lệnh lẫn người phê duyệt phải kiểm tra các chi tiết thanh toán, xác thực yêu cầu thanh toán trước khi soạn lệnh hay phê duyệt để bảo đảm không có sự giả mạo, lừa đảo.
Còn đối với những thanh toán tới đối tác mới hay lần đầu tiên giao dịch, cần thêm một bước xác thực thông tin tài chính, thông tin cá nhân và doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo luật sư Bùi Quang Tín, các rủi ro trong thanh toán quốc tế là những vấn đề xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể tham gia giao dịch.
Các rủi ro này có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong quá trình thực hiện giao dịch và với bất cứ chủ thể nào như nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu hay ngân hàng.
Chính vì vậy, trong thương mại và thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch, nên mua bảo hiểm tỷ giá trong trường hợp tình hình tỷ giá biến động phức tạp và khó dự báo. Đặc biệt, phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như trả chậm, chuyển tiền hay nhờ thu.
Bên cạnh đó, do các mẫu hợp đồng mua bán theo các điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms) thường được in sẵn, nên để tránh sự hiểu lầm, sai sót khi ký hợp đồng mua bán, các bên phải đặc biệt chú ý đến các điều khoản áp dụng.
Theo ictnews