Vị thế đặc biệt của Hong Kong lung lay vì dự luật dẫn độ

Dự luật dẫn độ, nguyên nhân của cuộc biểu tình lịch sử ở Hong Kong hôm 9/6, có thể tổn hại đến môi trường kinh doanh và làm suy giảm vị thế đặc biệt của đặc khu hành chính này.

Dự luật dẫn độ gây ra cuộc biểu tình kỷ lục ở Hong Kong trong hai thập kỷ dường như sẽ tiếp tục gây căng thẳng khi chạm tới nền tư pháp độc lập của thành phố, một trong những thế mạnh cốt lõi khiến Hong Kong trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

“Nếu dự luật được thông qua, Hong Kong sẽ trở thành một thành phố khác của Trung Quốc”, một người trẻ tham gia biểu tình cho biết.

Theo bài viết trên Nikkei Asian Review, dự luật mở đường cho việc bàn giao các nghi phạm bị giam giữ ở Hong Kong cho Trung Quốc đại lục, kéo theo lo ngại rằng Bắc Kinh có thể làm lung lay nền tư pháp độc lập của Hong Kong.

Nguy cơ gây tổn hại Hong Kong

Bắc Kinh đã đàn áp mạnh mẽ hoạt động chính trị ở Hong Kong kể từ khi Phong trào Dù vàng năm 2014 kêu gọi bầu cử dân chủ để chọn trưởng đặc khu nổ ra. Với các phong trào dân chủ đạt được ít tiến triển, tư pháp độc lập là một trong số ít ưu điểm còn lại của Hong Kong.

Hôm 10/6, Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự phát triển ở Hong Kong, cảnh báo rằng dự luật dẫn độ có thể gây nguy hiểm cho tình trạng đặc biệt mà lãnh thổ được hưởng.

Người biểu tình chiếm giữ các con đường bên ngoài tòa nhà hội đồng lập pháp ở Hong Kong, ngày 10/6. Ảnh: Getty.

“Sự xói mòn liên tục của khuôn khổ ‘một quốc gia, hai chế độ’ có thể gây rủi ro cho vị thế đặc biệt lâu nay của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói trong cuộc họp báo hàng ngày.

“Mỹ chia sẻ mối quan tâm của nhiều người Hong Kong rằng việc thiếu sự bảo vệ về thủ tục trong các dự luật có thể làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và tác động tiêu cực đến các biện pháp bảo vệ nhân quyền, tự do cơ bản và các giá trị dân chủ lâu dài của lãnh thổ”, bà nói.

Theo Nikkei Asian Review, dự luật có nguy cơ gây tổn hại đến môi trường kinh doanh của Hong Kong “và khiến công dân của chúng tôi cư trú hoặc đến Hong Kong phải chịu hệ thống tư pháp nghiêm khắc của Trung Quốc”, bà nhấn mạnh.

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hong Kong năm 1992, Washington coi Hong Kong là một thực thể không chủ quyền và tách biệt với phần còn lại của Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và kinh tế. Chẳng hạn, thuế Mỹ đánh lên hàng hóa Trung Quốc không mở rộng sang Hong Kong.

Hong Kong cũng được phép buôn bán các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ, trong khi Trung Quốc đại lục bị chặn quyền này.

Tác động kinh tế đáng kể

Một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi cân nhắc lại về dự luật này trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong chính trường Hong Kong. Nhà lãnh đạo dân chủ Martin Lee đã bày tỏ lo ngại về dự luật dẫn độ trong cuộc họp tháng trước với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Một thay đổi chính sách có thể gây ra tác động kinh tế đáng kể cho cả Mỹ và Trung Quốc. Khoảng 1.300 doanh nghiệp Mỹ có chi nhánh tại Hong Kong và một số công ty nhà nước Trung Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở đây.

Người biểu tình diễu hành trên đường phố hôm 9/6 tại Hong Kong. Ảnh: Getty.

“Nếu Mỹ chấm dứt đối xử đặc biệt với Hong Kong, tiền có thể ngừng chảy vào thị trường tài chính nơi đây và ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc”, Toru Kurata, giáo sư chính trị tại Đại học Rikkyo, Nhật Bản, nói.

Các nhà tổ chức cho biết các cuộc biểu tình hôm 9/6 đã thu hút 1,03 triệu người – nhiều hơn các cuộc biểu tình năm 2003 chống lại luật an ninh quốc gia, dự luật bao gồm các hình phạt khắc nghiệt vì “tội phản quốc”.

Cảnh sát đưa ra con số khiêm tốn hơn là 240.000 người nhưng vẫn vượt xa mức cao nhất trong Phong trào Dù vàng.

Quy mô biểu tình chưa từng có này là do lo ngại về hệ lụy của dự luật không chỉ đối với các nhà hoạt động dân chủ mà cả những người trong giới kinh doanh.

“Nó bắt nguồn từ sự mất lòng tin vào hệ thống tư pháp của Trung Quốc”, Kurata nói.

Theo thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ” được thông qua dưới sự chuyển giao chủ quyền năm 1997 cho Trung Quốc từ Vương quốc Anh, Hong Kong duy trì hệ thống tư pháp kiểu Anh. Điều này trái ngược với hệ thống của Trung Quốc đại lục, nơi đảng Cộng sản chịu trách nhiệm về tòa án và truy tố.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh

Các nhà lập pháp Hong Kong đã thay đổi luật hai lần để giải quyết các vấn đề được người biểu tình đưa ra, bao gồm loại bỏ tội phạm cổ cồn trắng khỏi danh sách đủ điều kiện dẫn độ.

Tuy nhiên, những thay đổi này không làm giảm bớt nỗi sợ rằng các nhà hoạt động dân chủ hoặc những người có vấn đề với các doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị bắt vì tội danh ngụy tạo và bị đưa tới đại lục.

Các sĩ quan cảnh sát đối đầu người biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: Getty.

Hôm 10/6, Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà hiểu những lo ngại của người biểu tình và sẽ nỗ lực giải thích rõ hơn về luật, nhưng nói rõ rằng chính phủ vẫn tiếp tục thúc đẩy dự luật. Cuộc tranh luận về dự luật sẽ tiếp tục vào ngày 12/6 và hướng tới việc thông qua trong tháng.

Nikkei Asian Review nhận định chính quyền Hong Kong không có lựa chọn trong việc gác lại kế hoạch ngay cả khi họ muốn. Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, người phụ trách công tác Hong Kong, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật dẫn độ.

Gavin Greenwood, chuyên gia tư vấn của hãng tư vấn đầu tư A2 Global Risk, cho rằng nhiều khả năng các nhà lập pháp Hong Kong sẽ thông qua luật. Ông lưu ý rằng Bắc Kinh ngày hôm nay có ảnh hưởng lớn hơn ở Hong Kong so với năm 2003.

Hôm 10/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngụ ý rằng các thế lực nước ngoài đang thao túng các cuộc biểu tình phản đối dự luật.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối những lời nói và hành động sai trái của bất kỳ lực lượng nước ngoài nào can thiệp” vào luật pháp Hong Kong, ông nói với các phóng viên.

Theo zing

SHARE