Việt Nam sẽ có smartphone 500 nghìn đồng, phổ cập 100% dân số

Lần đầu tiên Việt Nam có chương trình phổ cập điện thoai thông minh đến 100% người dân. Đây là cơ sở để đẩy mạnh chính phủ điện tử, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Việt Nam sẽ phổ cập điện thoại đến 100% dân số. Ảnh: Như Ý

Tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước Quý 1/2020 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020 Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc phổ cập smartphone đến người dân.

Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45-50USD. Cùng với đó, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD.

Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt đến tay người dân sẽ chỉ còn khoảng 20 USD, tức là chưa đến 500.000 đồng. Khi 100% người dân sử dụng smartphone, điều này sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử.

Trước đó, để góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Viettel đã có kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa việc phổ cập 4G. Trong số đó, Viettel phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam phân phối loạt smartphone 4G giá dưới 1,5 triệu đồng/máy và feature phone 4G có giá khoảng 400.000 đồng/máy.

Việc phổ cập smartphone cũng phù hợp với lộ trình tắt sóng 2G do Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất. Trước đó, bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022.

Theo đại diện Cục Viễn thông, việc dừng sóng 2G sớm sẽ thúc đẩy tăng trưởng số lượng thiết bị di động đầu cuối thông minh, tiếp cận với nhiều dịch vụ mới như hành chính công, tạo điều kiện thúc đẩy Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, Việt Nam đang tồn tại ba công nghệ di động mặt đất là 2G, 3G, 4G. Dự kiến triển khai thương mại 5G vào 2020. Như vậy từ năm 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam sẽ cói đồng thời bốn công nghệ di động. Việc cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.

Việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, sẵn sàng cho công dân điện tử”.

Theo tienphong

SHARE