Tại sao ngủ đủ tiếng, 5h sáng dậy thì khỏe nhưng 9h lại uể oải?

7- 8 giờ đồng hồ lâu nay được coi là “tiêu chuẩn vàng” giấc ngủ của con người. Nhưng vì sao cùng ngủ từng ấy thời gian, có người dù thức dậy lúc 5h sáng vẫn khoẻ khoắn, minh mẫn, còn có người lại chỉ muốn nằm thêm dù dậy lúc 9h?

Với nhiều người, có một giấc ngủ sâu, dù là ngắn thôi cũng có giá trị gấp vạn lần chuyện nằm cả ngày nhưng miên man không sâu giấc. Trong xã hội hiện đại, giấc ngủ ngon là điều không phải ai cũng có may mắn có được. Trong khi đó, giấc ngủ ngon phụ thuộc nhiều vào chính thói quen hàng ngày của chúng ta.

Ngủ bao lâu là đủ? Là vấn đề được nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu. Cách đây không lâu, một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Quỹ Giấc ngủ Quốc gia (NSF) cùng với 18 nhà khoa học về y tế giỏi nhất đã xem xét hơn 300 nghiên cứu về các giấc ngủ để cố gắng tìm câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi này.

Điều bất ngờ là câu trả lời rất… đương nhiên: “Nó còn tùy”. Không có con số nào được gọi là hoàn hảo với mỗi người. Tuy vậy, báo cáo của NSF (được đăng tải trên Tạp chí Sức khỏe Giấc ngủ – Sleep Health Journal) đã đưa ra khuyến nghị chung về số giờ ngủ mỗi ngày cho tất cả các nhóm tuổi khác nhau.

Số giờ ngủ tối ưu mỗi ngày đối với các nhóm tuổi được NSF khuyến cáo như sau:

  • Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ mỗi ngày.

  • Trẻ từ 4-11 tháng: 12-15 giờ mỗi ngày.

  • Trẻ từ 1-2 tuổi 11-14 giờ mỗi ngày.

  • Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) 10-13 giờ mỗi ngày.

  • Trẻ tiểu học (6-13): 9-11 giờ mỗi ngày.

  • Thanh thiếu niên (14-17 tuổi): 8-10 giờ mỗi ngày.

  • Thanh niên (18-25 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày.

  • Người trưởng thành (26-64 tuổi): 7-9 giờ mỗi ngày.

  • Người già (trên 65 tuổi): 7-8 giờ mỗi ngày.

Như vậy, trừ trẻ em, thì từ người 18-trên 65 tuổi, mỗi ngày nên đảm bảo giấc ngủ từ 7 – 9 tiếng. Tuy nhiên, tại sao cũng ngủ đủ từng đó tiếng, mà người ngủ từ 10h đêm đến 5h sáng thì tinh thần sảng khoái, trong khi người ngủ 2h sáng tới 9h sáng lại rất uể oải?

Lý giải điều này, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Thầy thuốc nhân dân Phùng Đình Khánh, Hội Đông y Việt Nam, cho biết: Mỗi giờ ngủ buổi đêm có giá trị còn hơn 3 giờ ngủ ban ngày. Vì khi ngủ buổi tối, cơ thể được dưỡng âm. Lúc đó, thận, tim, não… là các bộ phận được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và tái tạo năng lượng cho ngày hôm sau.

Nói về ý nghĩa của việc ngủ đủ, đặc biệt với trẻ em, BS Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chiều cao. Hormone tăng trưởng giúp tăng chiều cao được tiết ra nhiều nhất với điều kiện bé đã ngủ sâu. Trong khi giấc ngủ sâu thường bắt đầu khoảng 1-2 giờ sau khi ngủ. Vì vậy, để trẻ phát triển được chiều cao, cha mẹ phải cho trẻ ngủ sớm trước 22h, trên 8 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi, thậm chí khi trẻ chưa đi học cấp 1, trẻ cần ngủ sớm hơn, thời gian ngủ dài hơn, trung bình từ 12 – 14 tiếng mỗi ngày”.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý theo BS Lê Thị Hải, với hầu hết các bé thấp còi đến khám dinh dưỡng tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi bác sĩ “điều tra” lịch sinh hoạt hàng ngày thì thấy, các bé đều ngủ rất muộn, sáng hôm sau 8 – 9h chưa dậy, bỏ qua thời điểm vàng để tắm nắng bổ sung vitamin D. Điều này là do bố mẹ không tạo cho con thói quen tốt, không hiểu được giá trị của việc đi ngủ sớm cho tương lai con em mình.

Bs CK II Phạm Văn Trụ – Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, giấc ngủ không đủ dưới 6 giờ trong đêm khá phổ biến, khoảng 37 % người ở độ tuổi 20 – 39 và 40% người ở độ tuổi 40 – 59.

Không ngủ ngon sẽ dẫn đến rối loạn quá trình hoạt động sinh lý của con người, trong đó một số nội tiết tố bình thường gây tăng nồng độ đường huyết trước khi chúng ta chuẩn bị cho công việc hàng ngày.

(Nguồn: 24h)

SHARE