Không chỉ gợi ra vấn đề “văn mẫu”, câu chuyện đề văn “tả con chó” còn khiến chúng ta suy ngẫm về một điều rộng hơn.
Văn học và học văn luôn là đề tài được nhiều người trăn trở luận bàn. Có lẽ vì thế mà dễ hiểu sự quan tâm những ngày qua dành cho bức ảnh chụp một bài kiểm tra văn của học sinh tiểu học, có đề bài yêu cầu “tả con chó của nhà em”. Rất thật thà, phần bài làm viết: “Nhà em không có nuôi chó. Khi nào nhà em nuôi chó em sẽ tả”. Và hệ quả, “Cạn lời. Về nhà làm lại” là lời phê mà bài văn “bá đạo” này nhận được.
Bài văn “bá đạo” được nhiều người quan tâm, bình luận
Trong chúng ta ai chẳng có một thời trải nghiệm những đề văn kiểu này, ai chẳng phải thuộc nằm lòng một số công thức văn miêu tả để đối phó, thường được gọi là “văn mẫu”. Chỉ có điều chắc chẳng mấy ai dám thẳng thắn… thú nhận như em học sinh kia thôi. Cứ thử đi chệch các “công thức truyền thống” xem, điểm kém như chơi.
Ví dụ, học văn thời chúng tôi, tả bà thì nhất nhất phải tóc trắng, bỏm bẻm nhai trầu, nụ cười đôn hậu… Chẳng rõ đến giờ, với thế hệ các bà nội – ngoại không ít người rất sành điệu tóc nhuộm, mặc váy thì “văn mẫu” có gì thay đổi?
Cũng vì cái sự chuộng “văn mẫu” mà có khi một bài văn thật thà, đáng yêu lại bị cô giáo phê nặng nề, cho điểm thấp và bị chế nhạo khi được công bố ra bên ngoài. Nhìn ở góc độ này chúng ta sẽ thấy những bài văn “bá đạo” hóa ra không “bá đạo”, đáng cười như vẫn tưởng.
Còn nhớ một dạo người ta chia sẻ bài viết tả bố của một học sinh tiểu học. Chúng ta buồn cười vì em tả “em mong bố em bớt nóng tính đi một chút để mông em đỡ bị nổi lươn” mà không thấy đó là hình ảnh ông bố rất chân thực, có phần “điển hình” và mong ước của em rất hồn nhiên, trẻ con. Và ngay cả cô giáo chắc cũng sẽ bỏ qua, thay vì cổ vũ họa cảm rất tốt của em khi viết đoạn văn này: “Bố rất cao lớn. Mỗi lần bố ôm em, em chìm trong bóng tối”.
Quay lại đề bài “tả con chó”, dường như chúng ta đã quá quen thuộc với những đề văn kiểu này đến mức hiếm khi tự hỏi lại: sao cứ nhất nhất là “của nhà em”: chó nhà em, mèo nhà em, cây cau nhà em, cây mít nhà em… Từ trong tư duy của việc ra đề đã cứng nhắc mặc định “nhà em” quyết phải có những thứ đó. Vậy nếu “nhà em” không có, em sẽ đành thỏa hiệp và cả nói dối bằng cách bịa ra cho có?
Văn mẫu bó hẹp trí tưởng tượng, làm thui chột khả năng sáng tạo, thiếu tôn trọng sự khác biệt… của học sinh ra sao có lẽ chúng ta đã nói nhiều. Dù rằng không vì thế mà sự lạc hậu trong cách dạy và học môn văn đã được khắc phục như kỳ vọng.
Nhưng không chỉ gợi ra vấn đề “văn mẫu”, câu chuyện đề văn “tả con chó” còn khiến chúng ta suy ngẫm về một điều rộng hơn.
Dù nhà không nuôi chó, mèo, không trồng cây, các em vẫn có thể tả chúng, rằng mèo thì kêu meo meo, chó có bốn chân, vịt có hai chân… Nhưng rất có thể những sự biết đó lại chủ yếu đến từ… tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng… thay vì trải nghiệm trực tiếp, khi mà những thiết bị điện tử đang không ngừng bủa vây, chi phối đời sống con người, thậm chí gây nghiện.
“Rối loạn thiếu hụt thiên nhiên” (Nature Deficit Disorder) là một khái niệm do tác giả – nhà báo người Mỹ Ricard Louv đưa ra trong cuốn sách của mình cách đây hơn 10 năm, cảnh báo những hệ quả khi trẻ em ngày càng cách biệt với thế giới tự nhiên.
Đây có lẽ là mối lo chung của thời hiện đại. Nhưng nó sẽ càng đáng quan tâm hơn ở Việt Nam, nơi có nền giáo dục quá nặng về truyền đạt kiến thức và mắc bệnh thành tích. Ngay cả các bậc phụ huynh hầu như cũng mới chăm chắm dồn mọi chú ý vào điểm số, kiến thức con học được ở trường.
Viết đến đây, tôi nhớ lại một bài báo miêu tả một giờ học trong chủ đề “Chia sẻ về các hành tinh” của học sinh mẫu giáo tại một trường quốc tế ở Tokyo, Nhật Bản. Thông điệp chính các cô giáo muốn truyền tải tới các em là “mọi loài động vật và thực vật sống ở hành tinh chúng ta đều cần có một môi trường đặc biệt của riêng mình để sống và phát triển khỏe mạnh”.
Để hiểu được thông điệp đó, các em được giao chăm sóc, chịu trách nhiệm hoàn toàn với các con thú nuôi của lớp học và trồng những cây xanh của riêng mình: tìm loại thức ăn phù hợp, làm nhà cho thú nuôi, tưới nước hay theo dõi tình trạng sức khỏe của thú nuôi và cây xanh…
Một bạn nhỏ đang tự tin thuyết trình về thói quen của loài chó mà em đã quan sát được từ giờ học trong chủ đề “Chia sẻ về các hành tinh”. |
Quả vậy, không gì thay được những trải nghiệm thực tế, trực tiếp trong môi trường, thiên nhiên. Qua đó các em học hỏi, khám phá, đặt câu hỏi, hiểu được rằng mỗi cái cây, con vật đều có tâm hồn và quyền sống của mình. Hơn thế nữa, các em sẽ học được cách sống hài hòa, biết tôn trọng, chăm sóc và bảo vệ những tạo vật xung quanh, dù là nhỏ nhất, hiểu được rằng thiên nhiên dù có là “rừng vàng biển bạc” cũng rất mong manh nếu mỗi người không biết gìn giữ, nâng niu.
Những bài văn viết ra đúc rút từ quá trình đó chắc chắn sẽ tràn đầy sức sống, tình yêu thương, lấp lánh cá tính, thay vì ngôn từ khô cứng, khuôn sáo, đôi khi cả giả dối trong những bài văn kiểu “học thuộc lòng”.
Theo VietNamNet