Nhiều trẻ nhỏ sùi mào gà do chích bao quy đầu?
Vừa qua thông tin nhiều trường hợp trẻ nhỏ tại Hưng Yên phải nhập Bệnh viện Da liễu Trung ương do bị viêm nhiễm sau cắt bao quy đầu. Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Trung ương, thông tin viêm nhiễm do đi chít hẹp bao quy đầu tại Hưng Yên chỉ là thông tin bên ngoài truyền tai nhau. Trên thực tế chưa thể khẳng định các bệnh nhân nhi bị sùi mào gà ở Hưng Yên chuyển đến là do cắt bao quy đầu:
“Trong vòng 2 tháng từ 01/05/2017 đến 30/6/2017 có 1.316 người nhập viện điều trị sùi mào gà, trong đó có 41 ca là trẻ em. Cụ thể, tại Hưng Yên có 82 trường hợp mắc bệnh sùi mào gà trong đó có 23 ca mắc là trẻ nhỏ”, bác sĩ Doanh nói.
Bệnh nhi điều trị sùi mào gà tại Bệnh viện da liễu Trung ương.
Hiện tại các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Liên quan đến thông tin trên, trưa 17/7 đại diện Bệnh viện Da Liễu TW cũng xác nhận trong thời gian qua có tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhi, nhiều nhất là từ Hưng Yên chuyển lên điều trị sùi mào gà.
Trẻ nhỏ bị sùi mào gà nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến bội nhiễm
Theo BS Đinh Doãn Thạch (Bệnh viện da liễu Hà Nội) bệnh sùi mào gà là do vi rút HPV gây ra, bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Riêng đối với trẻ nhỏ mắc sùi mào gà nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến bội nhiễm, gây nên viêm đường tiết niệu, bí tiểu, đau rát… rất nguy hiểm.
Có khoảng 100 tuýp vi rút HPV trong đó có khoảng 20-30 tuýp có thể gây ra bệnh sùi mào gà. Hiện nay việc điều trị cho trẻ nhỏ chủ yếu là bôi thuốc và điều trị tại chỗ. Ngoài ra, có những trường hợp phải đốt sùi mào gà (đốt điện, đốt lazer). Đồng thời cho trẻ uống các loại thuốc bổ tăng sức đề kháng.
Theo BS Thạch, những nốt sùi mào gà có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể của nam và nữ như: hậu môn, miệng, bộ phận sinh dục.… Với nam giới, những nốt sùi mào gà thường gặp nhất ở bao quy đầu, bìu, thân dương vật…. Các mụn này thường mọc gần nhau, ban đầu chúng mọc riêng lẻ, về sau liên kết với nhau thành từng cụm, từng mảng, trông giống như mào gà hoặc hình súp lơ. Đối với nữ giới thì những biểu hiện đầu tiên của bệnh sùi mào sẽ xuất hiện ở mép hoặc bên trong âm đạo, miệng, xung quanh hậu môn và thậm chí nó có thể xuất hiện ở bên trong tử cung.
Khi trẻ có những vết phồng rộp ở bộ phận sinh dục hay có những bất thường ở cơ quan sinh dục, bố mẹ cần phải đưa trẻ đi khám sớm.
Cần vệ sinh bao quy đầu hàng ngày cho trẻ mỗi khi tắm, rửa (Ảnh minh họa).
Làm gì để trẻ không bị hẹp bao quy đầu?
Theo BS Thạch, khi trẻ đi tiểu có hiện tượng bất thường hoặc khi tắm cho trẻ không thấy quy đầu hay bố mẹ nghi ngờ bất cứ dấu hiệu nào khác về hẹp bao quy đầu thì nên cho trẻ đi khám bệnh. Đối với người trưởng thành, nếu thấy bao quy đầu không tụt xuống được, tiểu khó, nước tiểu ứ đọng, khi dương vật cương thấy đau… cũng cần đi khám để xác định và xử lý càng sớm càng tốt.
Để tránh cho trẻ bị hẹp bao quy đầu bố mẹ nên nong bao quy đầu thường xuyên, hoặc đưa đến các bác sĩ chuyên khoa nong lần đầu, sau đó theo chỉ dẫn các bác sĩ về tiếp tục nong.
Ngoài ra, cần vệ sinh bao quy đầu hàng ngày cho trẻ mỗi khi tắm, rửa. Cần lộn bao quy đầu ra và dùng vòi nước sạch cho chảy nhẹ nhàng vào rãnh quy đầu, cho đến khi thấy các chất cặn bẩn có màu trắng đã hết thì cho bao quy đầu trở về vị trí ban đầu.
Có rất nhiều trẻ bị hẹp bao quy đầu nhưng do bố mẹ không để ý hoặc không biết nên không chú ý, chỉ khi trẻ mắc một số bệnh mà khi khám mới phát hiện ra thì rất nguy hiểm. Nếu hẹp bao quy đầu không được xử lý sớm, bao quy đầu bị viêm nhiễm sẽ tấy đỏ, xuất tiết, kết hợp với các tế bào thượng bì bong ra và đọng lại có màu trắng, có hạt hơi rắn ở xung quanh rãnh quy đầu và ngay cả ở quy đầu làm cho trẻ đi tiểu khó, đau.
Với những trường hợp phẫu thuật dính bao quy đầu, sau khi phẫu thuật cũng cần chống nhiễm khuẩn và vệ sinh sạch sẽ bao qui đầu, tránh hiện tượng bao quy đầu dính lại và nhiễm trùng gây nguy hiểm sức khỏe của trẻ.
Xem thêm: Video công nghệ điều khiển bằng giọng nói “cực độc đáo”