Do sự tiện lợi nên xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại được nhiều người lựa chọn. Thế nhưng, hiện trên thị trường xuất hiện những loại xe đạp điện với mẫu mã và giá cả khác nhau, nhưng nguồn gốc lại không rõ ràng. Để bảo đảm an toàn giao thông thì việc siết chặt quản lý loại phương tiện này là rất cần thiết.
Nhiều xe đạp điện giá rẻ trên thị trường
Với ưu điểm nhỏ gọn, giá phải chăng, không khói bụi, sử dụng tiện lợi khi không cần giấy phép lái xe nên xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được người dân lựa chọn và trở thành một trong những phương tiện đi lại phổ biến, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lớn tuổi.
Có thể thấy, nhiều năm nay thị trường xe đạp điện đã phát triển nhanh chóng. Đa dạng về mẫu mã và giá cả, hầu hết các dòng xe đạp điện trên thị trường hiện nay xoay quanh mức giá 8-15 triệu đồng/chiếc. Một số dòng xe thực sự cao cấp hơn sẽ có giá cao hơn. Tuy nhiên, các dòng xe ở phân khúc giá rẻ và siêu rẻ cũng không phải hiếm. Các loại xe này chủ yếu là xe nhập lậu, xe không rõ nguồn gốc, không được kiểm định hoặc là dòng xe đã qua sử dụng. Những xe này có giá rất rẻ, chỉ từ vài ba triệu đồng/chiếc. Tất nhiên, những dòng sản phẩm này thường không được bảo đảm về chất lượng, độ an toàn khi sử dụng và các chế độ bảo hành.
Anh Hứa Văn Bộ ở phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, hiện có nhiều loại xe đạp điện nguyên chiếc hoặc tháo rời phụ tùng được đưa qua biên giới thuộc địa bàn huyện Đình Lập (Lạng Sơn) về sâu trong nội địa và phân phối cho các chủ hàng trong và ngoài tỉnh. Những loại xe này đều xuất xứ từ Trung Quốc, khi về Việt Nam được hợp thức giấy tờ hoặc bán “chui”. Mặc dù biết nhập lậu là trái phép, chất lượng kém nhưng do giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng và mang lại lợi nhuận cao, nên xe đạp điện vẫn được nhập lậu.
Được biết, đã có một số sự cố, tai nạn do xe đạp điện kém chất lượng xảy ra như vụ xe đạp điện bỗng nhiên phát nổ ở TP Huế (Thừa Thiên-Huế) hay một số vụ tương tự xảy ra ở Hải Phòng, Hà Nội đã được các cơ quan truyền thông đưa tin. Vì sự an toàn, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi lựa chọn mua xe đạp điện, tốt nhất nên tìm đến các thương hiệu xe đạp điện chính hãng có hệ thống phân phối chuyên nghiệp và có uy tín. Đừng vì tham rẻ mà mất tiền “mua tai nạn vào thân”.
Cần siết chặt quản lý
Luật sư Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Phú cho biết: Theo quy định, xe đạp điện không thuộc diện phải đăng ký trước khi lưu thông. Khoản 19, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là phương tiện thô sơ, mà điều kiện an toàn của phương tiện thô sơ rất đơn giản, không yêu cầu đèn tín hiệu, đồng hồ tốc độ… Còn theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT và QCVN 68:2013/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định, xe đạp điện có bàn đạp, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, có công suất động cơ điện không lớn hơn 250W và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg.
Tuy nhiên, do cấu trúc thô sơ, đơn giản, đặc biệt là đối với những loại xe giá rẻ nhập lậu hay nhập rời bộ phận khi bán được lắp ghép lại thì người sử dụng có thể dễ dàng tác động vào các bộ điều khiển như tay ga để làm tăng tốc độ vượt quá tốc độ cho phép. Thêm nữa, nhiều xe đạp điện giá rẻ có pin, ắc quy chất lượng kém, dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, rất nguy hiểm khi sử dụng. Chính việc chưa được chuẩn hóa này đang trở thành nguy cơ tiềm tàng xảy ra tai nạn giao thông.
Để bảo vệ người tiêu dùng, quy định đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu xe đạp điện theo Khoản 4, Điều 12, Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 5-11-2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi xe và chịu trách nhiệm theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với trường hợp xe đưa ra lưu thông trên thị trường xác định bị lỗi do nhà sản xuất như lỗi thiết kế, lỗi do sản xuất, lắp ráp… Còn trường hợp các lỗi như cháy, nổ từ bộ phận của xe đạp điện cần được các cơ quan chuyên ngành giám định làm rõ nguyên nhân là do người sử dụng hay do lỗi chế tạo, lắp ráp của nhà sản xuất để đánh giá mức độ thiệt hại và có những biện pháp xử lý hoặc đền bù theo quy định. Các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý và kiểm soát xe đạp điện, cả về nguồn gốc lẫn chất lượng.
Theo Baomoi