Mẹ đơn thân này có tên là Phùng Thị Thu Hà, sinh năm 1993, trong một gia đình có truyền thống làm nông ở Thanh Hóa. Tuổi thơ của Hà phải nói là khá bình lặng với sự yêu thương của bố mẹ và gia đình nội ngoại đôi bên. Lớn lên như thế rồi khi tròn đôi mươi, Hà cũng xa quê lên Hà Nội một phần để đi làm kiếm tiền, một phần là tìm cho mình một cơ hội để có một tương lai hào nhoáng.
Mưu cầu hạnh phúc, sự sung túc của tương lai bản thân mình bằng giấc mơ thành phố, nếu mọi chuyện chỉ đơn giản là vậy thì có lẽ đời Hà đã khác. Hà đã sai khi tự hào với những mối tình mà mình đã đi qua nhưng không giữ lại cho riêng mình chút kinh nghiệm tình trường nào, để khi gặp phải người Hà yêu, cũng chính là cha của đứa trẻ Hà đang bế trên tay, Hà đã mắc phải một sai lầm rất lớn nằm gói gọn chỉ trong hai từ “mù quáng”.
Hà quen anh ta qua mạng, sau đó hai người chìm đắm trong những câu nói tán tỉnh, đùa cợt với nhau cả ngày. Thế là Hà yêu và cho anh ta hết những gì của bản thân mình, từ tuổi trẻ, nhan sắc, thời gian và cả niềm kiêu hãnh của chính mình. Mọi chuyện cứ thế, cho đến một năm trước thôi, Hà nói, Hà phải về quê ăn Tết, anh ta cũng vậy. Tết xong, Hà quay lại Hà Nội rồi một mình chạy xe máy đến Ninh Bình để đón bạn trai. Lúc đó, cô đã có những dự cảm không lành.
Lúc Hà chán nản với cuộc tình của mình thì trời đất như đổ sầm khi cái que thử thai Hà mua ban sáng hiện lên hai vạch rõ ràng. Kết quả của cuộc tình đang hình thành trong người Hà. Hà hốt hoảng báo tin cho anh chàng người yêu, thì điều gì đến cũng đến, bản chất của một người đàn ông sẽ lộ rõ ra nhất khi lâm vào hoàn cảnh tồi tệ, và với anh chàng kia thì có con trong thời điểm này là một điều tồi tệ như thế. Vậy là anh ta chối bay chối biến, phủ bỏ trách nhiệm nhanh như trở bàn tay, như thể con của anh ta là một chiếc lá mà cuộc đời vô tình làm rơi trên vai anh ấy, bắt anh ấy phải gánh chịu, nhưng sức nặng của một chiếc lá đâu đủ để anh ta cảm thấy mình có trách nhiệm hay tình thương, phải phủi cho nó rơi đi càng nhanh càng tốt.
Cuộc sống đơn thân ngay khi con còn trong bụng, phải ăn mì tôm sống qua ngày
Sau đó là chuỗi ngày Hà sống trong cô đơn ngay tại Hà Nội huyên náo. Người yêu xa lánh, Hà lại chưa dám nói với gia đình chuyện mình có thai, Hà không dám hé răng vì có thai khi chưa có đám cưới nào thì khác gì giáng một cái tát đau điếng vào mặt bố mẹ Hà, làng quê sẽ dậy sóng, dòng họ sẽ đau lòng. Hà vừa bán hàng online vừa nuôi thân, nuôi đứa con trong bụng, cứ thế sống như một người không hồn phách.
Rồi cái bụng Hà cũng lớn dần, sức khỏe Hà cũng vì thế mà yếu đi khi chịu nỗi đau tinh thần quá lớn. Hà quyết định làm liều, thú nhận với bố mẹ mình. Từ Thanh Hóa, bố mẹ Hà tức tốc chạy lên Hà Nội. Khi hai ông bà hẹn gặp được người “con rể” quý hóa, thì chàng ta cũng vẫn giữ quan điểm của mình rằng phải bỏ đứa bé đi, níu kéo làm gì khi tình đã cạn, nghĩa cũng không còn.
Thất vọng quá lớn, hai ông bà đành lẳng lặng bỏ đi, bố Hà xấu hổ đến mức không muốn nhìn mặt con gái, ông không chấp nhận vết nhơ này. Ông cũng chối bỏ Hà, chỉ riêng mẹ Hà là cũng phận đàn bà, hiểu tình cảnh của con gái, bà yêu thương, khuyên nhủ con. Quay lại chuyện của anh chàng kia, anh ta hứa nếu Hà quyết định để thì anh ta sẽ chịu trách nhiệm đưa Hà đi thăm khám với danh nghĩa một người yêu cũ, không phải chồng cũng chẳng phải cha của đứa trẻ nào cả.
Nhưng lời hứa đó chẳng được thực hiện. Khi cái thai trong bụng Hà được 5 tháng, anh ta công khai có người yêu mới. Hà quay lại với sự đơn độc của chính mình, ôm cái bụng càng lớn dần mà ăn mì tôm sống qua ngày giữa lòng thủ đô. Cũng tháng đó, Hà bị thủy đậu, phải một thân một mình lên viện theo dõi, bên cạnh chẳng có một người thân, vài người bạn biết chuyện thì chung tay giúp đỡ Hà đôi chút để có thể trả tiền viện phí và thăm khám cái thai, ăn uống tốt hơn để sức khỏe hai mẹ con cải thiện đôi phần.
Trở về an bình trong vòng tay mẹ cha
Sang tuần thai thứ 30, thấu hiểu nỗi vất vả cũng như nguy hiểm của con gái, mẹ Hà cùng một số anh em trong họ đưa Hà về nhà ở quê sống và dưỡng thai. Bố Hà thì vẫn một hai không nhìn mặt con, quyết đuổi con đi nhưng được khuyên nhủ, cả họ cùng năn nỉ thì ông cũng đồng ý cho Hà ở lại nhà. Tuy vậy, sống giữa gia đình, Hà cũng như kẻ thừa thãi, phải ăn cơm riêng, ra vô không dám nhìn mặt bố mẹ.
Rồi khi đủ tháng đủ ngày, Hà đi sanh con thì cũng do một tay bà ngoại Hà giúp đỡ chăm sóc, mẹ Hà thì đi làm ăn xa không về kịp, bố Hà thì dù tỏ ra cứng rắn từ mặt con nhưng giai đoạn Hà sinh cũng một tay ông lo giấy tờ viện phí, nấu cơm nấu nước. Tuyệt nhiên không có sự hỏi thăm của người đàn ông là cha của đứa bé, thậm chí khi mẹ Hà gọi điện thông báo cho gia đình “sui gia”, thì đầu dây bên kia cũng chỉ ậm ừ cho qua. Không thăm hỏi, không hào hứng, không chút cảm xúc lay động nào khi hay tin. Hà biết chuyến hành trình này rồi đây cũng chỉ có mỗi mình Hà.
Những đêm trong viện chỉ có Hà và bà ngoại, trong khi xung quanh tiếng trẻ con khóc và cả những tiếng cười nói của những cặp vợ chồng son, dòng họ đôi bên nội ngoại đầy đủ, Hà thấy tủi thân ghê gớm. Bệnh viện tuy ồn ào nhưng Hà vẫn thấy tĩnh mịch đâu đây. Những giây phút đó Hà chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc. Sau đó, cha đứa trẻ cũng có hỏi thăm Hà, cũng hứa hẹn đến thăm và gửi tiền chăm sóc, nhưng hứa thì hứa, không đến vẫn là không đến, sự thật này, Hà đã biết từ lâu.
Tính đến hôm nay, thì con Hà đã tròn 1 tháng. Đứa trẻ lớn lên trong vòng tay mẹ và gia đình bên ngoại, dù câu chuyện đau thương đấy, nhưng bây giờ Hà cũng cảm thấy hạnh phúc phần nào. Hà kể mọi người yêu thương mình lắm, dù biết mình đã gây ra một cái tội lớn cho gia đình. Biết bé con Hà thiếu thốn hơi ấm từ cha và gia đình bên nội nên mọi người bên ngoại yêu thương bù vào.
Nhưng nói thì nói vậy, chứ Hà cũng không biết tương lai dứa bé và cả mình sẽ như thế nào, vì nuôi con một mình là cả một trách nhiệm lớn lao, nhất là khoản chi phí sinh hoạt, học hành của con sau này. Hà chỉ biết hy vọng sau quá nhiều chuyện đắng cay, Hà có thể tìm một công việc trong một công ty hay nhà máy nào đó, để Hà có thể đi làm kiếm tiền nuôi con. Hà không ngại khó, ngại khổ, chỉ sợ con mình phải thiệt thòi mà thôi!
Guu.vn