Nhiều mẫu robot do chính người Việt Nam phát triển đã được nghiên cứu, chế tạo và sản xuất cấp tốc để kịp thời nhanh chóng tham gia vào “cuộc chiến” với Covid-19.
Hồi giữa tháng 3, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã đưa ra đề xuất về việc cần sớm ứng dụng công nghệ robot vào công tác điều trị, phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.
Điều này từng được thực hiện rất thành công tại Trung Quốc. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển những con robot có khả năng mang đồ ăn hay đo thân nhiệt để đưa vào sử dụng trên thực tế. Nhờ vậy, hệ thống y tế nước này đã được giảm tải một cách nhanh chóng, nhân viên y tế cũng ít gặp nguy hiểm hơn do giảm nguy cơ từ việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Ở thời điểm đó, tại Việt Nam, công việc làm sạch và khử khuẩn các khu vực có chứa mầm bệnh lây nhiễm vẫn được thực hiện một cách thủ công bởi các nhân viên y tế.
Tuy nhiên, điều này đã nhanh chóng được giải quyết chỉ trong ít ngày nhờ sự xuất hiện của một đội quân robot “Made in Việt Nam”. Đây đều là những sản phẩm do các nhà khoa học Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển.
Robot phun xịt, khử khuẩn ngừa Covid-19
Nhóm nghiên cứu Robotics của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã cho ra đời 2 mẫu robot khử khuẩn để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng được biết đến với tên gọi Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0).
Nhóm nghiên cứu Robotics của trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Trong đó, Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa 2.000 m. Nhờ sở hữu một cánh tay được thiết kế như vòi phun, mẫu robot này được dùng để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly và phòng điều trị bệnh.
Tải trọng tối đa mà Covid Defender 1.0 có thể mang vác là 170kg. Robot này có thể làm việc liên tục trong khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/h.Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call.
Bên cạnh việc phun thuốc khử khuẩn, trong tương tai, Covid Defender 1.0 còn có thể ứng dụng vào việc phòng cháy chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp.
Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0).
Bên cạnh Covid Defender 1.0, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Tôn Đức Thắng còn phát triển mẫu Robot khử khuẩn thứ 2 là DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0). Đây là một dạng robot tự hành với khả năng ghi nhớ không gian làm việc, lặp lại hành trình và tự động di chuyển theo quỹ đạo.
Ngoài khả năng mang vác, Disinfection Robot 1.0 có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng cách chiếu tia cực tím nhằm phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn. Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng đến các chất hóa học, do đó nó rất thân thiện với con người.
Robot biết lau nhà, tự khử khuẩn
Bên cạnh robot khử khuẩn của đại học Tôn Đức Thắng, nhóm nghiên cứu “Vườn ươm sáng tạo” thuộc Trung tâm công nghệ thông tin của Bệnh viện quân dân y miền Đông (Q.9, TP.HCM) cũng đã cho ra đời một mẫu robot khử khuẩn khác theo đơn đặt hàng của Sở Y tế TP.HCM.
Robot này có 2 chức năng chính là phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sàn nhà sau khi phun xong. Ngoài ra robot còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly.
Robot biết lau nhà của nhóm nghiên cứu “Vườn ươm sáng tạo” thuộc Trung tâm công nghệ thông tin của Bệnh viện quân dân y miền Đông (Q.9, TP.HCM).
Được thiết kế để điều khiển từ xa, nhân viên y tế có thể ngồi ở khu hành chánh để điều khiển robot này thông qua kết nối 4G hoặc mạng Internet. Nhờ vậy, sự xuất hiện của mẫu robot trên giúp nhân viên y tế giảm tối đa việc tiếp xúc với nguồn bệnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ trang bị robot khử khuẩn cho tất cả bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị người nhiễm Covid-19.
Robot mang vác bệnh phẩm, giúp giao tiếp, chữa bệnh từ xa
Robot Vibot-1a do Học viện Kỹ thuật Quân sự phát triển được mô phỏng theo robot TUG của hãng Aethon (Mỹ) với khả năng vận chuyển bệnh phẩm, các trang thiết bị vật tư y tế.
Robot này có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.
Robot Vibot-1a của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Sau 2 tuần phát triển, phiên bản 1a của Vibot đã có thể tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,… từ ngoài vào các buồng bệnh, vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt,… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế với bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Vibot-1a còn có thể trở thành một công cụ giao tiếp, thăm khám bệnh từ xa giữa bác sĩ, người thân với người bệnh thông qua hệ thống cảm biến âm thanh, hình ảnh và một trung tâm giám sát, điều khiển từ xa. Nhờ vậy, mỗi robot Vibot-1a có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế, từ đó giúp họ tránh được khả năng phơi nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Theo vietnamnet.vn