Mang trong mình căn bệnh xơ hóa cổ thần kinh não, mỗi lần lên cơn đau, bé Trần Như Quỳnh (9 tuổi, xóm 6, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) lại la hét, đập đầu vào tường gây thương tích nặng.
Căn nhà của gia đình Quỳnh trống hoác, chẳng có gì giá trị ngoài hai chiếc giường nhỏ. Quỳnh cởi truồng, ngồi bệt dưới nền nhà. Tay phải và chân phải của bé bị trói lại bằng đoạn dây vải, cột vào song cửa sổ.
Đã 9 tuổi nhưng Quỳnh nhỏ thó, chỉ như đứa trẻ lên 5. Cô bé cắt tóc ngắn, khuôn mặt nổi đầy mụn thịt, ngơ ngác nhìn người lạ vào nhà.
Chào đời chưa bao lâu, Quỳnh đã phải gánh bất hạnh
Ngồi bên cạnh, chị Nguyễn Thị Sơn (40 tuổi, mẹ Quỳnh) vừa ôm đứa con nhỏ trên tay vừa đút cơm cho Quỳnh ăn. Chị Sơn thở dài chia sẻ.: “Khi sinh ra, Quỳnh cũng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Đến 3 tháng tuổi thì bé liên tục sốt cao, đưa đi bệnh viện thăm khám thì được kết luận bị xơ cứng thần kinh não”.
Gần một năm trời ôm con đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng bệnh tình của Quỳnh vẫn không chút thuyên giảm. Chị Sơn đành ôm con về nhà, chấp nhận số phận.
“Cứ một ngày là con lại lên cơn đau vài ba lần. Một lần như vậy kéo dài cả tiếng đồng hồ. Con bé cứ ôm đầu gào thét, đập phá đồ đạc, xé rách quần áo, tự đập đầu vào tường. Sợ nó lên cơn bỏ đi không tìm được nên tôi phải trói tay, chân lại như thế này đây”.
Mỗi lần lên cơn đau Quỳnh lại la hét, đập đầu vào tường
Đã 9 tuổi nhưng mọi sinh hoạt của Quỳnh phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Vì không có thời gian túc trực bên con thường xuyên, cũng không có tiền mua bỉm mặc hàng ngày, chị Sơn đành cởi truồng cho con để con vệ sinh ra giường, nền nhà.
“Bằng tuổi với con, con cái người ta đã cắp sách đến trường, đi cấy, nấu cơm giúp cha mẹ. Con gái tôi thì phải gánh bất hạnh như thế này đây. Bác sỹ nói căn bệnh này cũng có khả năng chữa trị nhưng phải lâu dài, tốn kém thời gian, tiền bạc. Gia đình tôi đông con, nghèo khó, chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền chữa trị cho con”, chị Sơn thở dài.
Chỉ mong gánh đau đớn thay con
Chị Sơn là vợ kế của ông Trần Đăng Thọ (60 tuổi). Ông Thọ từng có một đời vợ và hai cô con gái. Người vợ đầu của ông không may qua đời sớm vì bệnh tật. Thương cảnh gà trống nuôi con, chị Sơn quyết định về làm vợ kế, gánh trách nhiệm chăm sóc con chồng thay người vợ quá cố.
Chị Sơn bên 5 cô con gái của mình
Gia đình khó khăn, 5 đứa con gái (đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) lít nhít theo nhau chào đời càng khiến cuộc sống gia đình chị Sơn thêm túng bấn.
Quỳnh là con thứ 3 của vợ chồng chị Sơn. Sợ con lên cơn lại đập đầu vào tường nên chị Sơn chỉ biết ăn rồi ở nhà túc trực, chăm sóc 7 cô con gái.
Vì con đông, nhỏ dại lại bệnh tật nên chị chẳng làm được gì kiếm thêm thu nhập. Cả gia đình 9 miệng ăn phụ thuộc vào số tiền công hàng ngày ông Thọ kiếm được từ nghề làm phụ hồ.
Công việc bấp bênh ngày được ngày mất. Dù đã 60 tuổi nhưng ông Thọ vẫn phải cật lực làm việc để chăm lo cuộc sống cho cả gia đình. Đã nhiều năm liền gia đình chị Sơn thuộc hộ nghèo triền miên của xã.
Gia đình ông Thọ thuộc hộ nghèo triền miên của xã
Khó khăn đè nặng nhưng vợ chồng chị Sơn không lo bằng việc hàng ngày phải bất lực nhìn bé Quỳnh vật vả khi lên cơn, đập đầu vào tường. Mỗi lần như vậy, chị Sơn phải vất vả lắm mới giằng co, ngăn cản được.
“Mỗi lần con bé hết cơn đau thì tôi cũng không còn sức lực để làm bất cứ việc gì. Cứ hết đau là hai mẹ con lại ôm nhau khóc. Tôi chỉ ước mình có thể gánh đau đớn thay con chứ cứ như thế này con không còn sức mà chống chọi với bệnh tật”, nói đến đây, chị Sơn khóc nghẹn.
Nguồn: Emđẹp.vn