Mặc dù giá gỗ, sản phẩm gỗ từ loài cây quý thủy tùng ngày càng đắt đỏ nhưng người mua rất dễ mua phải hàng giả. Một số người kinh doanh gỗ thủy tùng lâu năm trong nghề, hiện trên thị trường sản phẩm này, có đến 70% là hàng giả.
Giá trị cây gỗ thủy tùng: Không phải ai cũng biết
Đã là loại gỗ quý hiếm, hiện giờ, thủy tùng cũng chỉ còn phân bố hai quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk với số lượng khoảng 100 – 200 cây. Vì thế, hiện giờ thủy tùng không được phép khai thác cây mới và do nhà nước quản lý.
Để hiểu rõ hơn về dòng cây quý này, PV đã tìm gặp anh Vũ Đức Điệp – một dân buôn gỗ lâu năm. Anh Điệp đã đi rất nhiều nơi để sưu tầm các loại gỗ quý như thủy tùng, gỗ mun sừng Khánh Hòa và rất nhiều loại gỗ phong thủy khác.
Không phải ai cũng hiểu rõ giá trị của cây thủy tùng |
Vừa giới thiệu đồ gỗ trong nhà, anh Điệp vừa kể: “Thủy tùng có một điểm đặc biệt đó chính là dòng cây này có 1 lượng tinh dầu rất lớn. Không những vậy, nó còn mang tính chất phong thủy nên rất được nhiều đại gia ưa chuộng.”
“Tuy nhiên, những sản phẩm hiện có thể mua được thường không nhiều vì nguồn gỗ hiện không còn nhiều. Chủ yếu là từ những cây đã được khai thác từ trước khi bị cấm, của người dân trong Đăk Lắk còn lưu giữ được. Hay trong quá trình người dân đi rừng, đi hồ nhặt nhạnh được”, anh Điệp cho biết thêm.
Vân gỗ thủy tùng |
Vừa cầm trên tay một bức tượng làm từ gỗ thủy tùng, anh Điệp vừa chia sẻ: “Kích thước chiều cao chỉ khoảng 90cm, chân đế 15 – 20 cm nhưng bức tượng nặng tới gần 10 kg. Đó là bởi lượng tinh dầu nằm trong bức tượng rất nhiều.”
“Tinh dầu thủy tùng từ chính trong gỗ tiết ra rất thơm và hơi có mùi chút chua nhẹ. Mùi thơm đó chính là thứ để nhận biết với gỗ thủy tùng giả”, anh Điệp nói.
Về bản chất, anh Điệp cho biết: “Gỗ thủy tùng nếu đem đục ngay sẽ rất khó bởi nó xốp, vỡ. Vì thế để đục ra được thành phẩm thì phải ngâm nước. Sau khi ngâm, gỗ sẽ rất cứng, lúc đó có thể đục được các chi tiết nhỏ, tinh xảo.”
“Sau khi được xử lý, gỗ thủy tùng thường được chế tác thành vòng, tượng phật, các bức phù điêu, hoặc được dùng làm đũa. Một bộ đũa thủy tùng 10 đôi có giá khoảng 350.000 đồng, được làm từ các cành nhỏ rơi rụng ở trong rừng hoặc lòng hồ mà bà con nhặt nhạnh được”, anh Điệp cho biết thêm.
Khúc gỗ thủy tùng |
Đắt đỏ nhưng quá nhiều hàng giả
Tuy hiện nay đang cấm khai thác các cây thủy tùng được bảo tồn, nhưng vẫn có những nguồn gỗ có thể mua bán được như anh Điệp đã kể. Nhưng, giá của chúng thì khá vô cùng, bởi không hề có nguồn hàng ổn định.
Một kg gỗ thủy tùng nếu mua khúc nhỏ thì chỉ có giá 600.000 – 1.000.000 đồng/kg, nhưng nếu là khúc to thì lại không mua theo cân nữa mà mua theo giá trị mà nhà chế tác có thể cảm được. Có những khúc gỗ cao 70 cm, đường kính 40 cm giá lên tới 35 – 40 triệu đồng.
Nhưng đó chưa phải khúc gỗ thủy tùng đắt nhất anh Điệp mua được. Khúc thủy tùng cao 1,8m đường kính 50 cm anh Điệp phải bỏ ra gần trăm triệu đồng mới có thể mua được.
Tuy nhiên, khi ra thành phẩm, giá lại cũng không theo 1 quy tắc nào cả. Một bức tượng 10 kg gỗ thủy tùng được đục tay, cao 90 cm như của anh Điệp có thể có giá 15 – 20 triệu đồng, nhưng những bức tượng thành phẩm được đục máy cao khoảng 38 cm thì chỉ có giá bằng một phần sáu.
Sản phẩm từ gỗ thủy tùng |
Nghe thì tưởng có nhiều hàng để kinh doanh, nhưng theo kinh nghiệm của anh Điệp, trên thị trường bây giờ phải đến 70% là hàng giả.
Vì thế, để phân biệt được, phải dựa vào kích thước, trọng lượng và mùi hương của gỗ. Hiện trên thị trường có một số loại gỗ được làm giả gỗ thủy tùng, trong đó có dòng gỗ thông lào.
Gỗ thông lào sau khi xử lý ngâm nhớt, ngâm bùn và một số hình thức khác như phun PU, tạo màu, tạo vân thì giống y hệt thủy tùng nên rất dễ nhầm lẫn. Nhưng có một điểm nhận dạng, đó là gỗ thủy tùng thật khi phun PU bao giờ cũng để lại phần chân đáy.
Phần chân đáy được để lộ để tinh dầu tiết ra, có thể nhận ra được mùi thơm chua do lượng tinh dầu tiết ra rất mạnh, còn thông lào sẽ có mùi hăng, và vân gỗ ở đây cũng sẽ khác. Còn gỗ thủy tùng giả phần chân đáy sẽ bị phủ kín bởi PU và sơn tạo màu vân và cân nặng cũng sẽ không bao giờ được bằng gỗ thủy tùng thật.
Phần chân đáy được để lộ để tinh dầu thoát ra |
Ngoài ra, có một điểm khá thú vị mà anh Điệp cho PV biết, đó chính là: “Cây gỗ thủy tùng có một đặc điểm là phần gỗ ở gốc không chưa tinh dầu nên rất nhẹ. Phân gỗ trên thân có chưa tinh dầu nhưng không tập trung nhiều và nặng. Còn phần gỗ trên cành chứa cực kì nhiều tinh dầu và rất nặng.”
“Vì thế, các cành cây bà con nhặt nhạnh, nhiều khi có giá trị hơn rất nhiều so với khúc thân không chưa tinh dầu”, anh Điệp chia sẻ thêm.
Hiện nay, loại gỗ quý này đang không còn nhiều và rất cần được bảo tồn. Tuy có giá trị kinh tế cao, nhưng rất cần được người dân chung tay bảo vệ để duy trì một giống cây quý. Đó không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn của chính bản thân mỗi người dân ở nơi mà loài cây này còn tồn tại.
Theo Dân trí