Trở lại thời kỳ trước năm 1980, hai căn bệnh này được gọi là bệnh do rượu. Nhưng giờ thì trẻ em cũng mắc.
Trẻ em không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đó là điều mà bà mẹ nào cũng hiểu. Các bác sĩ và chuyên gia y tế đồng ý với điều đó. Họ nói rằng trẻ em ăn nhiều đường có thể phát triển những căn bệnh chưa từng thấy, mà trước nay chỉ xảy ra với những ông bố trong nhà, những người nghiện rượu.
“Có hai căn bệnh mà chúng ta chưa từng chứng kiến ở trẻ em trước đây: tiểu đường type 2 và bệnh gan nhiễm mỡ”, Robert Lusting, giáo sư Nhi khoa nội tiết tại Đại học California, San Francisco cảnh báo.
“Trở lại thời kỳ trước năm 1980, hai căn bệnh này được gọi là bệnh do rượu. Nhưng ngày nay, chúng ta có hơn 30% trẻ em biểu hiện các triệu chứng của gan nhiễm mỡ không do rượu. Và tiểu đường type 2 bây giờ cũng tiệm cận tới phạm vi tác động của tiểu đường type 1 ở trẻ em”, ông nói.
Giáo sư Robert Lusting (bên trái) cảnh báo: Trẻ em sẽ phát triển các bệnh như người nghiện rượu, nếu ăn quá nhiều đường
Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ hay còn gọi là gan thoái hóa mỡ, là tình trạng tế bào gan tích tụ các hạt chất béo. Đến một ngưỡng nào đó, các hạt chất béo nhiều đến nỗi làm tế bào gan trở thành một tể bào mỡ. Nó không thể thực hiện được chức năng của mình trước đây nữa.
Khi tổng lượng tế bào gan bị thoái hóa thành tế bào mỡ vượt quá 5% tổng trọng lượng của gan, thì đó được gọi là “gan nhiễm mỡ”. Thường thì những người uống rượu nhiều sẽ bị tình trạng này.
Bởi rượu được chuyển hóa thành chất béo ở gan, nhưng bản thân nó lại ức chế sự bài thải mỡ, khiến nó tích tụ lại một khi lượng rượu uống vào quá nhiều. Nếu gan nhiễm mỡ không được điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển đến viêm gan, rồi xơ gan thậm chí ung thư.
Tuy nhiên, những đứa trẻ không uống rượu vẫn có thể mắc gan nhiễm mỡ. Thủ phạm ở đây là đường trong thực phẩm. “Đường và rượu được chuyển hóa gần như giống hệt nhau ở trong gan. Và trong trường hợp này, nó trở thành vấn đề”, giáo sư Lusting giải thích.
Trong khi rượu được đưa vào cơ thể, tới gan gây ra quá trình tích tụ mỡ, đường cũng đi vào cơ thể, cũng biến thành mỡ và gây cho gan hậu quả tương tự. Và có một thuật ngữ mới xuất hiện là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-alcoholic fatty liver disease- NAFLD)
Như vậy, gan không quan tâm rượu đến với nó theo cách nào. Và khi bạn nạp quá tải vào gan, bất kể đó là đường hay là rượu, bạn gặp phải cùng những chứng bệnh như nhau. Hậu quả là, chúng ta đang chứng kiến những căn bệnh “do rượu” tàn phá toàn bộ dân số, cả những người không bao giờ uống rượu và không ngoại trừ trẻ em.
Tiểu đường type 2
Căn bệnh thứ 2 mà giáo sư Lusting đề cập đến là tiểu đường. Trước đây, tiểu đường xảy ra với trẻ em thường là tiểu đường type 1. Nó gần như một tình trạng “bẩm sinh” khi hệ miễn dịch tự tấn công tuyến tụy phá hủy quá trình sản xuất insulin.
Tiểu đường type 1 phổ biến ở trẻ em và người dưới 20 tuổi, đến nỗi được gọi là “tiểu đường vị thành niên”.
Trong khi đó, tiểu đường type 2 là tình trạng thường xảy ra do lối sống thiếu lành mạnh và cần thời gian tích lũy. Trước đây, người trên 40 tuổi mới phải cảnh giác tiểu đường type 2. Thì bây giờ, ngay cả trẻ em cũng có thể mắc căn bệnh này do ăn quá nhiều đường.
Lí do vì đường kích thích trẻ tăng cân, mà thừa cân và béo phì là một yếu tố dẫn tới tiểu đường type 2. Cơ thể dự trữ đường dưới dạng mỡ, hơn thế nữa, mỗi lần ăn đường, nó gây ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu nội tiết.
Đường đánh lừa quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm trẻ liên tục bị đói. Kết quả là chúng ăn nhiều đường hơn, tạo thành vòng lặp tăng cân, đề kháng insulin dẫn đế tiểu đường type 2.
Điều đáng nói, tiểu đường type 2 ở trẻ em thường pháp triển âm thầm nên được phát hiện muộn. Khi đó, nó có nhiều khả năng gây biến chứng hơn. Một số biến chứng nghiêm trọng trẻ có thể gặp phải, khi mắc tiểu đường type 2 là suy giảm thị lực, suy thận, bệnh tim mạch…
Làm sao để phòng ngừa?
Đa số, nếu không muốn nói toàn bộ trẻ em và cả người trường thành đều thích ăn đường. Nhiều nhà khoa học nói rằng đường có cơ chế gây nghiện. Bởi vậy, nếu không muốn trẻ em ăn quá nhiều đường, các bậc cha mẹ nên theo dõi chặt chế độ ăn uống của con cái.
Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra một người không nên ăn quá 10% calo mỗi ngày từ đường phụ gia. Đối với trẻ từ 4-8 tuổi, ăn một chế độ 1.200 Calo, nó có nghĩa là khoảng 8 muỗng cà phê (khoảng 32g) đường mỗi ngày.
Mặc dù vậy, có một ngưỡng quy định khắt khe hơn được đưa ra năm 2015, bởi Ủy ban Cố vấn khoa học dinh dưỡng cho chính phủ Mỹ (SACN). Theo đó, các chuyên gia nói rằng trẻ em không nên ăn quá 5% các loại đường tự do (free sugar) trong chế độ ăn mỗi ngày.
Trực quan hơn, SACN khuyến cáo mức tiêu thụ đường như sau:
-Với trẻ 4-6 tuổi: ăn dưới 19g /ngày.
-Với trẻ 7-10 tuổi: ăn dưới 24g /ngày.
-Trẻ 11 tuổi trở lên: ăn dưới 30g /ngày.
Đường tự do (free sugar) được quy định ở đây bao gồm tất cả các loại đường phụ gia được thêm vào thực phẩm, cộng với đường tự nhiên có trong mật ong, xi rô và nước ép trái cây. Nó không bao gồm các loại đường tự nhiên được tìm thấy trong trái cây và rau quả tươi.
Không chỉ đái tháo đường và gan nhiễm mỡ không do rượu, điều quan trọng để trẻ được phát triển tốt là cha mẹ nên tạo cho con thói quen có một lối sống lành mạnh càng sớm càng tốt : hạn chế ăn đồ ngọt; hạn chế cho trẻ sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn; và dành thời gian cho trẻ được vận động ngoài trời.
Tổng hợp