Google Dịch tiếng Việt đang bị phá hoại

Tính năng đóng góp bản dịch của Google đang bị lợi dụng để truyền tải những thông điệp cá nhân, ảnh hưởng cộng đồng.

Công cụ Google Dịch đang bị đem ra làm trò đùa trên mạng xã hội những ngày gần đây. Cụ thể, khi người dùng dịch câu “go o morning” từ tiếng Anh sang tiếng Việt, kết quả trả về là “tiếng Anh ghi cũng ngu, phải là good Morning”.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với từ “I’m tr”. Kết quả nhận được từ Google Dịch khi nhập câu này là “sai chính tả rồi má”.

Google Dịch “mắng” người dùng ngu.

Ngoài ra, một số câu dịch được sửa sai thành những nội dung tục tĩu như “Văn đẹp trai” sẽ được dịch là “** Duy moi dep trai nhe”.

Trong ô kết quả, những bản dịch này xuất hiện kèm với dấu chứng nhận “bản dịch được cộng đồng xác minh”.

Theo Google, việc đóng góp bản dịch giúp cải thiện độ chính xác của ngôn ngữ. “Cộng đồng dịch là một bộ phận chính trong quy trình thêm ngôn ngữ mới vào Google Dịch của chúng tôi. Đóng góp vào Cộng đồng dịch để giúp mọi người trên khắp thế giới hiểu thêm một chút về ngôn ngữ của bạn”, Google viết trên website của mình.

Đáng nói là những lỗi dịch này đã tồn tại từ năm 2018. Như vậy, nếu cộng đồng dịch không đề xuất sửa lỗi, tình trạng này có thể sẽ vẫn tiếp diễn, tạo ra những bản dịch sai.

Đây không phải lần đầu các công cụ cộng đồng của Google bị phá hoại. Trước đó, ngày 25/1, nhiều video trên kênh YouTube của DJ Alan Walker đã bị đổi tên bằng cách đóng góp bản dịch. Bài hát Alone – MV với 810 triệu lượt xem của DJ Alan Walker đã bị đổi tên thành “Alan Walker – Một mình (Alone) – Các bạn qua kênh “*** Nhạc 8D” nghe nhạc nhé”.

Công cụ đóng góp bản dịch trên YouTube cũng từng bị người Việt lợi dụng.

Sau phản ánh của Zing.vn, cộng đồng đóng góp bản dịch tại Việt Nam đã chỉnh sửa lại tiêu đề và phần mô tả của các MV trên.

Tuy vậy, những ngày sau đó, nhiều video khác đã bị đổi tiêu đề thành đủ loại nội dung từ liên kết Facebook, quảng cáo bán hàng, kênh YouTube cá nhân. Thậm chí, một số video bị đổi tiêu đề thành “Anh XXX đẹp trai quá”.

Năm 2016, người chơi Pokemon Go trong nước đã tạo nhiều địa điểm ảo hoặc vị trí mới nhằm tăng số lượng PokeStop – khu vực người chơi nhận các vật phẩm miễn phí nhưng cần thiết, như bóng Pokeball, các loại đá hồi phục sức lực cho Pokemon…

Thậm chí, có một số người còn đặt lại tên cho địa điểm, tạo địa điểm giả mạo và “dời” nhiều địa danh từ nơi này qua nơi khác.

Theo zing

SHARE