Hãy nhìn thật kỹ vào những vết sẹo của em bé bị bạo hành, bạn sẽ thấy cả sự vô cảm và bất lực của chính mình

Đối với một đứa trẻ, bạo hành không chỉ là đòn roi bầm dập thân thể, nó còn là những lời quát mắng, đay nghiến, chì chiết dày vò tinh thần, và nó còn là cả sự vô cảm và bất lực của những người lớn không bao giờ lên tiếng.

Tôi có một người bạn, sau hơn một năm ly hôn thì tuần trước lại một lần nữa phải ra tòa vì chồng cũ đệ đơn đòi quyền nuôi con trai lớn của hai người. Hai em bé sống với mẹ đủ đầy yêu thương và hạnh phúc, được mẹ giáo dục và chăm sóc tinh thần, thể chất từ những điều nhỏ nhất giờ sẽ phải đối diện với việc mỗi đứa một nhà. Có một điều tệ hơn cả, là nếu các em bé đã đủ 9 tuổi, thì trước tòa, em sẽ phải tự-mình-trả-lời câu hỏi: “Con muốn ở với cha hay với mẹ?”. Liệu có một đứa trẻ 9 tuổi nào có thể bình tĩnh trả lời câu hỏi này? Liệu có một đứa trẻ 9 tuổi nào đủ lý trí để biết được rằng ở với cha hay với mẹ thì mình sẽ hạnh phúc hơn?

Tôi nhớ mãi điều mà bạn tôi nói trước ngày cô ấy ra tòa để bảo vệ quyền nuôi con của mình: “Mình sẽ không thỏa hiệp ở bất cứ phương diện nào, và sẽ bình tĩnh nhưng cương quyết “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ cho các con có được một cuộc sống bình yên và vui vẻ nhất với đúng lứa tuổi của các con”. Có bao nhiêu người mẹ đã, đang và sẽ phải trải qua chuyện này? Có bao nhiêu người mẹ đủ sức mạnh để bảo vệ những đứa con thơ bé của mình? Có bao nhiêu người mẹ buộc phải buông tay con, để rồi khi đón con về thì nó đã trở thành một đứa trẻ tan nát cả về thể chất và tâm hồn, đau đớn hơn, người gây ra những vết sẹo hằn sâu lên cơ thể đứa trẻ lại chính là cha của chúng.

Và rồi câu chuyện bé trai Trần G.K, 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành dã man suốt hai năm dậy sóng trên các mặt báo và mạng xã hội.

Hãy nhìn thật kỹ vào những vết sẹo của em bé bị bạo hành, bạn sẽ thấy cả sự vô cảm và bất lực của chính mình - Ảnh 1.

Trần Hoài Nam – bố đẻ của bé Trần G.K thực nghiệm hiện trường việc đánh con trai.

Có quá nhiều điều ám ảm chúng ta khi đọc những tin bài về vụ bạo hành trẻ em – không phải là lần đầu tiên bị phanh phui này: Những miếng đòn của bố khiến cậu bé 10 tuổi rạn xương sọ, gãy sương sườn; lý do hành hạ con của ông bố là muốn “dạy bảo” con vì con nghịch quá; mẹ đẻ không thể ngờ được con lại bị bố và mẹ kế hành hạ dã man như vậy vì luôn nghĩ rằng, chồng cũ và vợ mới không có con thì sẽ đối xử tốt với con mình; đứa trẻ sống ở một quận lớn giữa thủ đô suốt 2 năm không được đi học và bị giam lỏng; mẹ đẻ, ông bà cô dì chú bác nội ngoại của em vì sao dửng dưng, lạnh nhạt với em suốt từng ấy thời gian em sống trong địa ngục trần gian; rồi hàng xóm láng giềng, tổ dân phố, chính quyền địa phương, các tổ chức, hội đoàn…. sao không ai phát hiện, không ai lên tiếng và thấy việc giúp một đứa trẻ là việc của mình, để cuộc chạy trốn của em phải cần tới 2 năm mới thực hiện được.

Một đứa trẻ 10 tuổi phải sợ hãi, đau đớn và hoảng loạn tới mức nào mới đủ sức mạnh để kiên trì với việc ghi nhớ mã số mở cửa để trốn thoát khỏi căn nhà của chính bố đẻ của mình?

Hãy nhìn thật kỹ vào những vết sẹo của em bé bị bạo hành, bạn sẽ thấy cả sự vô cảm và bất lực của chính mình - Ảnh 2.

Cậu bé 10 tuổi tự cứu mình khỏi địa ngục trần gian bằng cách bỏ trốn khỏi nhà bố đẻ sau 2 năm bị hành hạ dã man.

Câu chuyện của cậu bé Trần G.K thật khó tin, nhưng hoàn toàn có thể lý giải được. Khi bản thân ai đó có một ẩn ức, một nỗi đau, nỗi bất hạnh không giải quyết được, họ dễ dàng tìm đến việc bắt nạt một kẻ yếu hơn mình, ngay bên cạnh mình để trút đi nỗi đau của mình. Thật lý tưởng khi kẻ yếu hơn đó là một đứa bé không thể chống cự (chắc bé có chống cự yếu ớt bằng cách bỏ phân vào tủ quần áo, bỏ đất vào siêu thuốc) và không dám chống cự (con mình đẻ ra, do mình nuôi ăn). Điều này dễ nhìn thấy nhất ở những đứa trẻ, nhất là ở độ tuổi mầm non. Những đứa trẻ “hổ báo” ở trường sẽ là những em bị mẹ tát đôm đốp ở nhà có khi chỉ vì làm đổ canh xuống áo. Những đứa trẻ hay “hít-le” và đổ lỗi sẽ là những em ở nhà bố mẹ hay dọa bỏ chúng ra ngoài cửa, bỏ chúng vào tủ, bỏ chúng một mình nếu chúng phạm lỗi. Và những đứa trẻ đó lớn lên với ý nghĩ là bị bỏ lại, bị tẩy chay là hình phạt lớn nhất nên nó đem cái đó áp dụng với bạn bè.

Chúng ta lên án bố đẻ và mẹ kế của Trần G.K, trách cứ mẹ đẻ, ông bà, cô bác, chú gì họ hàng của em, nhưng có thể mỗi chúng ta cũng nên cảm thấy có lỗi, vì từng cáu giận, vì từng trút cơn giận của mình lên đầu những kẻ yếu thế, hoặc chỉ đơn giản là vì đi ngang chợ, đi ngang luôn một bà mẹ còn trẻ đập bốp vào người đứa con gái nhỏ cỡ hai tuổi khiến nó đang khóc bỗng lặng người đi và quay ra kể với một bà khác giọng đầy tự hào “Sáng giờ ăn hai cái tát rồi đấy. Lớn lên rồi tha hồ mà lì lợm.” Và chúng ta thấy chuyện đó là bình thường. Và chúng ta không quay lại để bảo bà mẹ ấy là không được làm thế.

Hãy nhìn thật kỹ vào những vết sẹo của em bé bị bạo hành, bạn sẽ thấy cả sự vô cảm và bất lực của chính mình - Ảnh 3.

Những vết sẹo hằn sâu trên gương mặt cậu bé 10 tuổi sau hai năm sống cùng bố đẻ và mẹ kế. (Ảnh: Sohanews)

Hãy nhìn thật kỹ vào những vết sẹo của đứa trẻ bị bạo hành, bạn sẽ thấy cả sự vô cảm và bất lực của chính mình!

Bạn biết không, có thể hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, hàng triệu lời lên án, chửi rủa mà bạn và tôi đang nhìn thấy trên mạng xã hội mấy ngày qua sẽ không mang đến một điều kì diệu bằng một lần chúng ta cất tiếng trước một hành vi bạo hành trẻ em mà ta vẫn thường chứng kiến hàng ngày, ở bất cứ đâu đó xung quanh cuộc sống của mình.

Theo Thời Đại

SHARE