Một vài khu vực ở quận 7 tập trung dày đặc các dự án chung cư như 1 km trên đường Nguyễn Hữu Thọ có hơn 10 tòa nhà hay hai bên đường Phú Thuận là các dự án Sunshine và Riviera.
700 m nhưng mất tới 15-20 phút di chuyển, ngày cao điểm có khi lên tới 30 phút. Đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của Hoàng Nguyên mỗi ngày đi làm khi vượt qua cầu Kênh Tẻ.
“Mấy ngày đầu đi làm còn mệt. Chứ giờ ngày nào cũng kẹt như thế quen rồi. Xe máy, ôtô, xe buýt chen lấn nhau ai cũng muốn vượt lên trong khi mặt cầu thì hẹp. Lại thêm người bóp còi, leo lên lề nữa thì cảnh tượng hỗn loạn vô cùng”, cô nhân viên văn phòng kể về trải nghiệm mỗi ngày của mình.
Với Hoàng Nguyên và hàng nghìn người di chuyển qua lại cầu Kênh Tẻ mỗi ngày, tình hình càng thêm ngán ngẩm khi Sài Gòn bước vào mùa mưa.
“Ngoài đường Nguyễn Hữu Thọ, xe tranh nhau từng mét vỉa hè. Cầu Kênh Tẻ sửa nên đường đi càng hẹp. Mấy hôm trời mưa thì vừa không nhúc nhích được, vừa ướt, rất mệt mỏi”, Minh Đức, hiện sống trên đường Nguyễn Thị Thập, cho biết.
Kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ trước một dự án chung cư.
Trước đây, Đức làm việc tại một cao ốc ở quận 4 chỉ cách nhà hơn 4 km. Nhưng anh ít khi về ngay sau giờ làm vì biết sẽ bị “chôn chân” trên cầu Kênh Tẻ. “Tới khi mình nghỉ việc chuyển sang làm tự do, mới thấy cầu này giờ bình thường cũng đông”, Đức cho hay.
Hiện từ quận 7 nối vào trung tâm có 2 trục đường chính là Nguyễn Hữu Thọ – Cầu Kênh Tẻ và Huỳnh Tấn Phát – Cầu Tân Thuận – Nguyễn Tất Thành.
Hoàng Nguyên chấp nhận chôn chân trong dòng người kẹt xe trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ vì với cô, đoạn đường Huỳnh Tấn Phát trước khi lên cầu Tân Thuận quá xấu, đá lổm chổm lại nguy hiểm vì xe container chạy liên tục, không có làn tách biệt với xe máy.
Vài trăm mét đường cõng hàng chục nghìn dân
Án ngữ ngay khi qua khỏi cầu Kênh Tẻ là hơn chục tòa tháp cao hơn 30 tầng thuộc hai dự án Sunrise Cityview và Sunrise City của Novaland.
Với tổng cộng hơn 2.800 căn hộ, khi toàn bộ hai dự án này được lấp đầy, cộng thêm các khu văn phòng, thương mại dịch vụ, chưa đầy 1 km của trục đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn trước khi qua cầu Rạch Bàng 2 sẽ phải cõng khoảng trên dưới 10.000 người.
Cách hai dự án của đại gia bất động sản quen mặt tại TP.HCM khoảng 4 km là một đại dự án đầu tiên ở Sài Gòn của ông lớn kín tiếng từ phía Bắc: Sunshine City Saigon.
Hàng chục tòa tháp của hai dự án Sunrise Cityview và Sunrise City trên chưa đầy 1 km đường Nguyễn Hữu Thọ.
Theo quy hoạch, dự án của tập đoàn Sunshine sẽ có 9 tòa tháp từ 26-38 tầng trên diện tích gần 10 ha. Chủ đầu tư không tiết lộ số căn hộ chi tiết của dự án này trên website chính thức nhưng một vài sàn giao dịch bất động sản công bố dự án Sunshine City Saigon có tổng cộng hơn 3.000 căn hộ.
Cách cổng vào dự án của Sunshine chỉ vài trăm mét là cụm 3 dự án Riviera Point, The View, The Infinity của Keppel Land. Theo chủ đầu tư Singapore, khi hoàn thành, tổ hợp Riviera Point sẽ là dự án cao nhất tại quận 7 với 40 tầng, cung cấp 2.099 căn hộ.
Tổng cộng, hai dự án Riviera Point và Sunshine City Saigon cách nhau chỉ vài trăm m sẽ hình thành hơn 5.000 căn hộ. Nếu 2 dự án được lấp đầy và mỗi căn hộ có 3-4 người ở, khu vực xung quanh sẽ phải đón thêm 15.000-20.000 dân.
Hai dự án Riviera Point và Sunshine City có chung một lối đi vào từ trục Huỳnh Tấn Phát là đoạn đường Phú Thuận với mặt cắt ngang chỉ hơn 10 m và chiều dài khoảng 300 m.
Nếu hàng nghìn cư dân cùng chọn di chuyển trên con đường này vào buổi sáng, nhiều khả năng đường Phú Thuận sẽ quá tải. Chưa kể đến việc sau khi đường Huỳnh Tấn Phát được nâng, hiện đường Phú Thuận đoạn đi vào hai dự án của Sunshine và Keppel Land rất thấp và chỉ cần một trận mưa khoảng vài tiếng đồng hồ sẽ bị ngập.
Tổ hợp dự án Riviera Point có hai con đường dẫn vào, trong đó có đường Phú Thuận, cũng là lối đi vào dự án Sunshine.
Chị Toàn – một môi giới bất động sản đang kinh doanh nhiều dự án chung cư tại quận 7, trong đó có chính Sunshine City Saigon và The Infinity – cho biết với những dự án cao cấp này, người mua nhà khi đã bỏ từ 3-4 tỷ đồng để sở hữu căn hộ thì nhiều khả năng có ôtô riêng, thậm chí là hơn một chiếc. Do đó, với dự án cao cấp, áp lực về giao thông xung quanh sẽ càng lớn.
Trên toàn quận đến hết quý I có tới 83 dự án chung cư, theo số liệu của công ty cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL).
Một số trục đường chính tập trung các dự án tại khu vực có thể kể đến như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ (tính luôn phần thuộc huyện Nhà Bè).
Mòn mỏi đợi hạ tầng
Trên tờ rơi giới thiệu của nhiều dự án đang triển khai tại khu vực quận 7, các hạ tầng kết nối với khu vực trung tâm TP.HCM cũng được liệt kê như lợi thế khi mua căn hộ. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án hạ tầng sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành.
Các công trình được giới thiệu gồm cầu Thủ Thiêm 4, dự án hầm chui 3 tầng tại nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Khoái, tuyến metro số 4.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 kéo dài 2 km với kinh phí đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng mới vẫn còn tìm kiếm nhà đầu tư. Tại cuộc làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) hôm 29/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đang giao Sở GTVT nghiên cứu hình thức đầu tư mới để triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 thay vì hình thức BT như dự kiến trước đó.
Hệ thống hầm chui, cầu vượt Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng vừa đổi chủ đầu tư vào tháng 3 và chưa có kế hoạch cụ thể về thời hạn hoàn thành.
Trong lúc đó, theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, dự án cầu Nguyễn Khoái sau khi điều chỉnh có thể khởi công vào cuối năm nay.
Tuyến metro số 4 kết nối quận 7, Nhà Bè với các quận trung tâm đang xúc tiến kêu gọi đầu tư và đăng ký danh mục vay vốn ODA của Chính phủ. Riêng về dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ hiện hữu, theo kế hoạch, việc thi công mở rộng cầu sẽ hoàn thành vào tháng 7 tới.
Theo Zing