Cửa ngõ Tây Bắc bao gồm Mai Châu của Hòa Bình và Vân Hồ, Mộc Châu của Sơn La đoạn qua quốc lộ 6 từng được xem là vùng nguy hiểm đối với khách vãng lai. Các đoàn, nhóm, tuyến du lịch khuyến cáo du khách cẩn thận khi đi qua và dừng chân ở các vùng này, tránh rắc rối liên quan đến các điểm nóng về tệ nạn ma túy. Đó là một thách thức khách quan khi bản thân các vùng đất này mong muốn có thể cải thiện định kiến về vùng đất dữ, biến mình trở thành vùng du lịch thân thiện, hiền hòa.
Quốc lộ 6 nối từ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc luôn đẹp và hấp dẫn về du lịch. Ảnh: TTH
Mới đây, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng với UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát tuyến du lịch Hang Kia – Pà Cò và vùng lân cận. Đây là 2 xã giáp ranh với huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La, là vùng canh tác những loại cây hợp với thổ nhưỡng trung du và khí hậu mát mẻ là mận, đào, chè tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp không khí trong lành quanh năm.
Tuy nhiên, vì quá gần với biên giới Việt – Lào – nút trung chuyển của con đường ma túy từ Lào thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam nên vùng đất này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh. Có những thời kỳ cơ quan an ninh xiết chặt quản lý địa bàn, đường giao thông không được sửa chữa cải tạo, các đường mòn ngang dọc gần biên giới vắng vẻ hoang vu, thậm chí sóng điện thoại cũng không khuyến khích được phủ tới các thôn xóm, ngõ ngách sát biên giới để kiềm chế bớt sự hoạt động của các ổ nhóm ma túy. Người dân sống khép kín và dễ bị lợi dụng để vận chuyển ma túy, bỏ bê canh tác đồng áng và thiếu sinh kế. Cả vùng hoang vu và không ai nghĩ tới việc đón khách vào nhà mình.
Thế nhưng, đây lại là vùng giàu nhất nhì về tiềm năng phát triển du lịch của Tây Bắc. Ở đây không quá xa trung tâm Thủ đô Hà Nội, cảnh quan miền núi đặc trưng và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số phong phú, đặc biệt là đặc sắc văn hóa của đồng bào Mông và Thái. Đây cũng là vùng đất đã xây dựng được một lễ hội thường niên để các tầng lớp xã hội, các ban, ngành, đoàn thể và từng gia đình lấy làm ngày vui chung đó là Ngày Tết độc lập 2-9 hằng năm. Vào những ngày này, các lễ cúng truyền thống, lễ hội dân gian và trò chơi dân gian được phục dựng lại, tinh hoa văn hóa dân tộc được bảo tồn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng lồng ghép được việc để các gia đình tự nguyện ký vào cam kết không tiếp tay, tổ chức vận chuyển ma túy qua biên giới, tố giác tội phạm ma túy và phòng chống tác hại của ma túy ngay trong gia đình, dòng họ, lấy các giá trị tinh thần để lấn át và triệt tiêu những tiêu cực của xã hội. Người dân còn sẵn lòng ký vào cam kết không phá rừng tự nhiên, thực hiện nếp sống văn minh bản làng và tuân thủ luật pháp.
Kiên trì và tự nhiên, văn hóa cải thiện đời sống và dần để các vùng đất ám ảnh ma túy “lộ sáng”. Các xã Hang Kia, Pà Cò của huyện Mai Châu, Hòa Bình; các xã Lóng Luông, Chiềng Khoa, Chiềng Xuân của huyện Vân Hồ và xã Lóng Sập của huyện Mộc Châu, Sơn La… hiện tại đều dần được định hướng để làm du lịch cộng đồng.
Sự giao lưu, tiếp xúc và nhân lên những cảm xúc tích cực sẽ là một phương án đẩy lùi tệ nạn ma túy. Đó cũng chính là mục tiêu của việc xúc tiến du lịch cộng đồng tại cửa ngõ Tây Bắc. Hiện nay, Mai Châu là một địa danh du lịch đã có tiếng tăm, trong đó, mô hình du lịch cộng đồng rất phát triển. Nguồn lực tái tạo và đầu tư của các nhà đầu tư lớn đã đổ vào Mai Châu rất đáng kể chỉ trong vài năm qua. Bản Lác và bản Pom Coọng phát triển loại hình du lịch đặc trưng văn hóa người Thái. Các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, khu vực giải trí đều phù hợp với cảnh quan và ở ngưỡng chấp nhận được.
Năm 2018, Mai Châu có tới hơn 1 triệu lượt khách quốc tế đến đây, tổng thu từ du lịch đạt gần 200 tỷ đồng. Như vậy, tiềm năng của Mai Châu tăng theo thời gian, doanh thu càng tăng thì suất đầu tư tái tạo lại nguồn lực càng lớn. Tương tự như vậy, với Mộc Châu, ngoài ưu tiên cho phát triển kinh tế, địa phương này dần hướng cán cân kinh tế sang làm dịch vụ du lịch bằng hướng phát triển bền vững.
Lợi thế của vùng cao Tây Bắc lại là thời tiết 4 mùa không có cách biệt nên mùa nào cũng có thể đón khách và không gian du lịch mở không giới hạn địa lý. Thói quen sinh hoạt của người dân vùng cao đã là một nét hấp dẫn của Tây Bắc mà khách du lịch khám phá và khai thác không bao giờ hết bao gồm ẩm thực, đời sống, phong tục tập quán và nhân sinh quan của người miền núi. Việc còn lại là thay đổi nhận thức của người dân từ bản làng hoang sơ thành làng du lịch chuyên nghiệp.
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch khẳng định, chính quyền địa phương và các dự án hỗ trợ của cơ quan này sẽ hướng vào các mục tiêu thực chất là hướng dẫn bà con làm du lịch dịch vụ. Cải tạo nếp sống sạch sẽ, ngăn nắp trong gia đình, trồng rau, hoa quả, chăn nuôi hợp vệ sinh, sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho khách du lịch và hướng tới khu sản xuất tập trung, vùng sản xuất rau sạch như Mộc Châu, Vân Hồ của Sơn La.
Kể cả các khu vực đã phát triển du lịch như Lóng Luông, Phiêng Luông, Bản Lác cũng cần phải có quy hoạch hợp lý. Hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, nước sạch, chỉ dẫn du lịch nằm trong mục tiêu của xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát triển du lịch.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Du lịch có hướng dẫn và phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các đoàn khảo sát, xây dựng tuyến du lịch, loại hình du lịch phù hợp và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, ban hành các tiêu chuẩn dành riêng cho các vùng du lịch đặc trưng ở đây.
Theo bienphong.com.vn