Làm sao ngăn chặn nạn ‘hoa hồng’?

 Nhiều chuyên gia nêu rõ những giải pháp hạn chế tối đa vấn nạn “hoa hồng” đang gây bức xúc xã hội.

Làm sao ngăn chặn nạn 'hoa hồng'?
Từ trái qua: luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội), ông Cao Văn Sang (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM), bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội)

* Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Phải cụ thể hóa thành luật

Luật dược và Luật khám chữa bệnh hiện còn lỗ hổng vì chưa có các điều khoản quy định trực tiếp về vấn đề bác sĩ nhận hoa hồng của công ty dược.

Các quy định hiện chỉ mang tính chất gián tiếp như bác sĩ không được kê toa thuốc không phù hợp với chẩn đoán bệnh, thuốc không cần thiết và cấm kê toa thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các chất không nhằm mục đích phòng, chữa bệnh. Biện pháp chế tài phải cụ thể hóa thành luật.

Đây là lỗ hổng còn thiếu, cần phải bổ sung.

Cho đến nay, việc bác sĩ nhận hoa hồng của hãng thuốc chưa có tồn tại trong hệ thống quy định pháp luật, chưa có quan điểm rõ nét. Chính vì thế cả về mặt pháp lý cũng như đạo đức, bác sĩ thản nhiên làm không bị coi là vi phạm.

Cần phải xác định khi bác sĩ nhận hoa hồng từ các hãng dược thì dù ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng đến tính khách quan, cũng như quyết định của bác sĩ trong việc kê toa. Giải pháp hữu hiệu nhất là đưa hẳn vào luật hành vi bác sĩ nhận hoa hồng của công ty dược là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm nguyên tắc ứng xử với bệnh nhân.

Đồng thời phải có quy định chế tài cụ thể bằng nhiều biện pháp, trong đó có hình thức tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc vô thời hạn tùy mức độ sai phạm.

Khi bác sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp dù là hình thức nào, trong đó có việc nhận hoa hồng từ các hãng dược, phải được coi là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, là có thể xem xét tước chứng chỉ hành nghề của bác sĩ. Khi được luật hóa, quy tắc hóa thì đương nhiên đó là một giải pháp ngăn ngừa hiệu quả.

* Ông Cao Văn Sang (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):

Kê toa theo phác đồ

Nếu chỉ trông chờ vào việc kêu gọi y đức chung chung thì không thay đổi được thực trạng này. Để hạn chế bác sĩ “bắt tay” với công ty dược, theo tôi, cần thực hiện hai giải pháp. Một là đấu thầu thuốc cung ứng cho bệnh viện phải tổ chức minh bạch, rõ ràng.

Hai là các bệnh viện phải xây dựng được phác đồ điều trị chuẩn cho các loại bệnh lý, bác sĩ điều trị khi chỉ định thuốc cho bệnh nhân phải tuân thủ đúng phác đồ này. Khi có phác đồ, mọi việc sẽ rất rõ ràng: bệnh thế nào thì dùng thuốc đó.

Ví dụ, với bệnh nhân bị viêm họng, phác đồ quy định thuốc chỉ định có kháng sinh, kháng viêm, thuốc hỗ trợ thì bác sĩ cứ theo đó kê toa.

Không chỉ các công ty trong nước, các công ty dược lớn của nước ngoài cũng có nhiều hình thức biến tướng để chăm sóc, chi hoa hồng cho bác sĩ rất khéo léo. Hình thức phổ biến nhất là mời đi hội thảo, hội nghị ở nước ngoài rồi cho một ít tiền.

Với hình thức này, Nhà nước đủ sức giám sát bác sĩ nào đi đâu, ai mời, đi bao nhiêu lần trong năm.

* Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM):

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Việc các công ty dược chi hoa hồng cho bác sĩ diễn ra nhiều năm qua. Ngày xưa, khi chưa có bảo hiểm y tế thì công ty dược cho trình dược viên đem tiền trực tiếp đến cho bác sĩ tại bệnh viện, nhưng khi đó chúng ta chưa có luật, quy định nào để ngăn chặn.

Quản lý ở bệnh viện cũng không có biện pháp nào để ngăn chặn, vì thế các công ty dược hoạt động rất mạnh trong bệnh viện. Toa thuốc ngày xưa lắm khi là toa thuốc của trình dược viên kê, chứ chưa hoàn toàn là của bác sĩ chỉ định.

Ngày nay, thuốc sử dụng trong bệnh viện dù là đấu thầu tập trung ở sở y tế hay bệnh viện cũng do hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện quyết định.

Tuy nhiên, hội đồng này ở một số bệnh viện hoạt động chưa hiệu quả do chủ tịch hội đồng là giám đốc bệnh viện, phó chủ tịch hội đồng là trưởng khoa dược, còn ủy viên hội đồng là các bác sĩ trưởng khoa, phòng.

Thực tế cho thấy các công ty dược không chỉ chi hoa hồng cho bác sĩ, mà còn phải chuyển hướng sang chăm sóc hội đồng thuốc. Việc chi hoa hồng hiện nay thường có hệ thống.

Đâu phải chi một ông bác sĩ là được, mà luôn có phân bổ rõ ràng chủ tịch và phó chủ tịch bao nhiêu, thành viên hội đồng bao nhiêu, bác sĩ trực tiếp kê toa được bao nhiêu. Nếu nói chỉ có bác sĩ kê toa nhận hoa hồng thì tội cho họ, bởi hội đồng thuốc phải chấp nhận thuốc đó thì bác sĩ mới kê toa.

Với tình hình như vậy, giám đốc bệnh viện phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vấn đề chỉ định thuốc và mọi vấn đề tiêu cực liên quan đến sử dụng thuốc xảy ra tại bệnh viện. Khi phát hiện tiêu cực trong việc kê toa thuốc, cần phải xử lý cả trách nhiệm người đứng đầu bệnh viện.

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội):

Trao quyền tự chủ cho bệnh viện

Theo tôi, hoa hồng có chăng chỉ khu trú ở một số nhóm như trưởng khoa dược, một số trưởng – phó khoa phòng hay một số bác sĩ ở phòng khám.

Cho nên muốn giảm chuyện chung chi hoa hồng thì quan tâm đến khâu đấu thầu thuốc vào bệnh viện. Phải làm tốt khâu này, không để tình trạng độc quyền xảy ra.

Bên cạnh đó, cần trao quyền tự chủ cho bệnh viện, lúc ấy bệnh viện sẽ phải tính toán mua thuốc nào để có lợi nhất, giá nào tốt nhất. Khi thuốc trúng thầu vào bệnh viện và có nhiều lựa chọn thì bác sĩ cũng kê đơn cho bệnh nhân các thuốc bệnh viện có.

Những trường hợp cố tình kê đơn để bệnh nhân phải tìm mua thuốc bác sĩ chỉ định (để có hoa hồng) có thể cũng có nhưng không nhiều.

* Giám đốc một công ty dược phẩm có trụ sở tại Hà Nội:

Chặt chẽ trong đấu thầu sẽ giảm được hoa hồng

Công ty chúng tôi không tham gia đấu thầu trực tiếp, nhưng được biết trong đấu thầu đều phải có hoa hồng. Trước khi có thông tư 01 năm 2012 thay đổi quy chế về đấu thầu thì hoa hồng phổ biến hơn, nhiều khi doanh nghiệp dược lời 30% mà phải chi tới 25% hoa hồng, nên chỉ còn lời 5%.

Từ khi có thông tư 01, vấn nạn hoa hồng có giảm vì giả sử công ty A và công ty B cùng kinh doanh một mặt hàng, chỉ sau đợt đấu thầu là lộ giá và cả hai bên sau đó cùng thi nhau hạ để bán hàng, càng về cuối giá càng thấp nên không còn nhiều chi phí cho hoa hồng.

Nói thế để thấy nếu quy định về đấu thầu chặt chẽ hơn thì hoa hồng sẽ giảm.

Ở nước ngoài hiếm có chuyện chi tiền mặt cho bác sĩ nhưng có chuyện mời đi du lịch, hội thảo…, đó cũng là hoa hồng.

Còn ở nước mình hoa hồng bằng tiền mặt không hiếm, thậm chí có trường hợp ra giá. Nay đấu thầu chặt chẽ hơn nên nhiều trường hợp hoa hồng chỉ còn ít ỏi, kiểu để cho vui.

Tôi từng gặp một số chuyện dở khóc dở cười như các trình dược viên về kể chuyện họ phải chăm sóc bác sĩ kỹ càng, thậm chí phải… đi chợ giúp bác sĩ để bác sĩ sử dụng thuốc của công ty. Đó có phải là hoa hồng hay không?

Theo Tuoitre

SHARE