Trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, bạn chỉ cần nắm được vài mẹo nhỏ như sử dụng rèm cửa, kết hợp các màu sắc nội thất hay dùng mùi hương,… cũng có thể khiến nhiệt độ trong nhà tăng cao hơn, bảo vệ cho sức khỏe của bạn và gia đình.
1. Đóng các cửa chính và bít các lỗ hổng
Không khí lạnh có thể bay vào nhà qua những lỗ hỏng nhỏ trên cửa chính và cửa sổ. Hãy chắc chắn cửa chính luôn được đóng kín hoàn toàn. Đối với những lỗ hổng, bạn có thể chèn thêm khăn cuộn hoặc miếng vải nhỏ nếu cần thiết.
Đồng thời, hãy đóng những cánh cửa phòng mà bạn không sử dụng đến. Hành động này khiến hơi nóng tập trung lại trong một diện tích nhất định và khiến nơi đó được ấm hơn.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý mở cửa cho thoáng khí nếu hôm đó nhiệt độ bên ngoài cao hơn nhiệt độ bên trong phòng.
2. Sử dụng rèm cửa
Rèm cửa là lớp thứ hai ngăn cách nhiệt lạnh từ bên ngoài và giữ không khí ấm ở bên trong. Nhiều gia đình hiện nay sử dụng rèm hai lớp để dễ dàng điều chỉnh theo điều kiện thời tiết. Nếu chỉ dùng rèm một lớp, bạn nên chọn các loại rèm làm bằng nhung, dạ…
Rèm cửa là đồ dùng hữu ích để ngăn hơi lạnh.
Vào ban ngày, khi có ánh sáng mặt trời, bạn nên để rèm mở hoặc chỉ để lớp rèm mỏng (với rèm hai lớp). Mặt trời chính là nguồn nhiệt năng khổng lồ và an toàn nhất, giúp xua tan cái lạnh của mùa đông và khiến tinh thần bạn thoải mái hơn. Vào buổi tối, rèm nên được kéo hết lại để đảm bảo sự ấm áp cho căn nhà.
3. Đầu tư vào các thiết bị sưởi
Máy sưởi là công cụ rất hữu ích để giữ ấm trong một diện tích cụ thể. Với những loại máy sưởi hiện đại, chúng có khả năng tạo ra nhiệt mà không cần tốn quá nhiều điện. Bạn có thể cho máy sưởi hoạt động gần mình để giữ ấm trong khi đang xem phim, lướt web, đọc truyện và uống cafe trong tiết trời lạnh giá.
Tuy nhiên, cần lưu ý khoảng cách giữa các thiết bị sưởi và người sử dụng để tránh những tai nạn không đáng có.
4. Che phủ sàn nhà
Phần lớn nhiệt trong phòng có thể thoát ra qua sàn gỗ và gạch. Hãy cân nhắc đến việc mua thảm che phủ sàn nhà và sắp xếp chúng một cách hợp lý để giữ ấm. Việc sử dụng thảm sẽ tiết kiệm khoảng 10% lượng điện năng so với khi sử dụng máy sưởi.
Cảm giác khi đặt chăn lên những tấm thảm mịn màng và ấm áp chắc chắn sẽ tuyệt vời hơn khi bước lên sàn nhà lát bằng gỗ hay đá lạnh.
5. Thay đổi vị trí và màu sắc đồ nội thất
Nên tránh kê giường, ghế ngồi hay bàn làm việc cạnh những nơi gió dễ luồn vào. Ngồi bên cửa sổ hay những nơi hút gió có thể khiến nhiệt lượng của cơ thể mất đi nhiều hơn.
Sự kết hợp màu sắc sẽ đem lại sự thay đổi đáng kể.
Không cần phải thay đổi màu sơn tường hay toàn bộ các đồ nội thất, bạn chỉ cần khéo léo trong việc kết hợp các gam mầu trầm cho thiết bị nội thất để mang đến cảm giác ấm cúng. Những sắc màu như tím, đỏ tía, socola… là sự lựa chọn hoàn hảo cho mùa đông.
6. Luôn nấu và ăn thức ăn nóng
Chúng ta ai cũng thích quây quần bên gia đình, cùng tận hưởng những món ăn nóng hổi vào mùa đông lạnh giá. Những món ăn nóng có thể tăng nhiệt độ bên trong cơ thể, giúp bạn chống chọi với cái lạnh tốt hơn.
Hơn nữa, nhiệt lượng tỏa ra từ lò nướng và bếp cũng sẽ khiến căn nhà của bạn có nhiều hơi ấm. Nên hạn chế các phương pháp nấu ăn tỏa ra hơi nước, bởi điều này sẽ làm tăng độ ẩm trong không khí.
7. Làm ấm nhà bằng mùi hương
Nghe có vẻ khó tin nhưng mùi hương cũng là một trợ lý đắc lực giúp sưởi ấm cho ngôi nhà bạn vào mùa đông. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các sản phẩm thơm như nến thơm, sáp thơm, nước hoa… đều có tác dụng đáng kể trong việc tác động lên cảm xúc của con người.
Việc khiến cho ngôi nhà của bạn tràn ngập những mùi thơm ấm áp như mùi gừng, mùi cà phê, mùi quế,… giúp không gian trở nên ấm cúng hơn hẳn.
Theo Emdep