Bà mẹ 2 con Emma Hannigan – một tác giả viết sách với những tác phẩm được nhiều người biết đến ở Ireland. Dù chị đã cắt bỏ mô vú, buồng trứng và ống dẫn trứng để giảm nguy cơ phát triển ung thư , tuy nhiên, mầm mống căn bệnh chết người này vẫn không buông tha và hành hạ chị 9 lần trong 7 năm, điều tuyệt vời là chị không bao giờ cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc trong “cuộc chiến” này.
Cắt bỏ buồng trứng và 2 bên vú vẫn không “chạy thoát” khỏi ung thư
Tháng 8/2005, cuộc sống yên bình của Emma và gia đình bất ngờ khi đảo lộn khi chị phát hiện mình mang gene ung thư đột biến, được gọi là BRCA1 ở độ tuổi 33. Điều này đồng nghĩa nguy cơ chị bị ung thư vú lên đến 85% và 50% sẽ phát triển thành ung thư buồng trứng.
Emma cho biết, cả bố mẹ chị đều mang gene này. Chị gái của chị cũng tử vong vì căn bệnh ung thư buồng trứng, 3 người dì của chị cũng qua đời vì ung thư.
Chị Emma cảnh báo những thay đổi ở vú có thể là dấu hiệu ung thư vú:
– Sự thay đổi kích thước, hình dạng, một bên ngực trở nên to hơn bất thường
– Sự thay đổi đầu ngực hoặc hình dạng núm vú, núm vú trở nên bằng phẳng với các quầng vú xung quanh.
– Quầng ngực đổi màu da hoặc vó vết nứt. Sưng ở nách hoặc quanh xương đòn.
– Khối u , hạch trong mô ngực
– Thường xuyên đau ở một bên nách hoặc một bên ngực
Sau đó, cô đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ cả buồng trứng và hai bên vú dù thời điểm đó chị chưa có biểu hiện bệnh, nhưng lúc nào chị cũng có cảm giác mình đang mang một quả bom hẹn giờ.
Vì thế, chị đã lựa chọn cách phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và mô vú hơn là ngồi chờ đợi khi khối u phát triển để tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngăn ngừa căn bệnh quái ác này đều thất bại. Sau khi phẫu thuật, các mô vú của cô đã được gửi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy những dấu hiệu sớm của ung thư. Nhưng các bác sĩ cho biết đó là tế bào tiền ung thư. Ung thư vú có thể lây lan sang các hạch bạch huyết.
Bắt đầu kể từ thời điểm đó, chị Hannigan đã chiến đấu với căn bệnh ung thư này với nghị lực kiên cường đáng kinh ngạc tới 9 lần bệnh tái phát, cao điểm nhất là tới 4 đợt phát bệnh trong cùng 1 năm.
Chiến binh mạnh mẽ 9 lần đánh bại ung thư vú trong 7 năm
Tháng 6 năm 2007, lần đầu tiên Emma được chẩn đoán bị ung thư vú. “Năm 2007, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư ở mô vú và cổ, vai và dưới cánh tay, kèm theo đó bệnh viêm da, một bệnh tự miễn”, chị Emma kể lại.
Đến tháng 1/2007, chị bị đau cơ và phát ban, Cánh tay và chân của chị bắt đầu có triệu chứng co lại. Mặt, đầu, tay và thân trên cũng xuất hiện phát ban gây ngứa.
Chị Emma cùng gia đình
Từ tháng 2 đến tháng 4/2007, chị luôn trong tình trạng hết ra lại vào bệnh viện. Đến tháng 6/2007, chị được chẩn đoán bị ung thư lần đầu tiên và còn kèm theo viêm da – một bệnh tự miễn.
Chị phải thực hiện hóa trị độ IV để điều trị cả 2 bệnh trên cùng với thuốc steroids để ngăn chặn viêm da cơ. Sau một vài tháng điều trị, các bác sĩ nói rằng 2 bệnh của chị đã thuyên giảm.
Đến tháng 3/2008 và tháng 10/2009, căn bệnh ung thư lại quay trở lại tấn công chị. Cả hai lần này, chị đều được điều trị bằng hóa trị, các bác sĩ cho biết tình trạng bệnh rõ ràng đã giảm đáng kể sau khi xét nghiệm và kiểm tra lại bằng chụp chiếu.
Trong đó, 2010 có lẽ là năm tồi tệ nhất trong cuộc chiến với bệnh tật của chị. Chỉ riêng trong năm đó, bệnh tái phát đến 4 lần.
Căn bệnh quái ác lại xuất hiện trở lại trong năm 2011 và chị lại phải điều trị hóa trị trong suốt 6 tháng. Và mặc dù lần này bệnh cũng giảm đáng kể nhưng nó vẫn xuất hiện trở lại vào năm 2013.
“Điều tồi tệ nhất là tôi có một khối u trong hộp sọ của tôi và cần thực hiện 50 lần bức xạ. Tôi không thể cử động đầu”.
Chị Emma phải thực hiện 50 lần bức xạ để điều trị khối u trong hộp sọ
“Nhiều khi tôi băn khoăn, không hiểu sao mình phát bệnh ung thư vú tới 9 lần trong khi một số người chỉ có 1 lần”, cô nói.
“Trong quá trình hóa trị liệu, tôi đã bị rụng tóc nhưng rồi nó mọc lại. Cơ thể tôi từng ốm yếu không khác gì một chú mèo hen nhưng tôi vẫn sống và sẵn sàng chiến đấu, bởi cuộc chiến của tôi vẫn chưa kết thúc”, chị nói.
Trong suốt thời gian chiến đấu với bệnh tật, chị Emma đã viết một cuốn sách kể về cuộc đấu tranh chống lại bệnh tật của mình với hy vọng tiếp sức cho những bệnh nhân ung thư khác. Thông điệp mà chị muốn gửi đến là dù mắc bệnh này nhưng nó không đồng nghĩa với một án tử hình.
“Ung thư không phải lúc nào cũng là án tử hình vì đã có nhiều người sống sót. Bạn hãy tin vào điều đó. Đối với tôi, điều tồi tệ nhất là khiến gia đình phải lo lắng. Tuy nhiên, việc được tiếp tục sống đã là một điều tuyệt vời đối với tôi”.
Hiện tại, dù các tế bào ung thư đã biết mất nhưng chị phải tiến hành hóa trị 3 tuần/lần để giữ bệnh không phát triển. “Tôi tin vào những tiến bộ trong y học và tôi là một ví dụ sống cho niềm tin đó. Dù hiện tại, tôi vẫn phải đấu tranh với căn bệnh này và tôi sẽ không từ bỏ, vì bên tôi còn có gia đình, bạn bè và những người thân. Chính họ đã cho tôi sức mạnh vượt qua những lần xạ trị trước đó.
Ung thư có thể xâm chiếm cơ thể bạn nhưng đừng bao giờ cho phép nó xâm chiếm tâm trí bạn”.
Theo Trí Thức Trẻ