Tại đại hội cổ đông vừa qua của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chúng tôi có cuộc trò chuyện với một lãnh đạo của công ty. Ông cho biết, khó khăn về thanh khoản những năm vừa qua đã tác động rất lớn đến bầu Đức, thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh của ông bầu phố Núi.
Các căn hộ bán ra thu về từng tỷ đồng từng là mỏ vàng cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trong giai đoạn 2009-2012.
Khoảng thời gian này, khoảng năm 2008, bầu Đức bắt đầu sang Lào trồng cao su. Tiền thân từ nghề gỗ và sau nhiều năm chuyển sang bất động sản, HAGL lại xác định quay về với nông nghiệp là mảng chính yếu của tập đoàn này trong giai đoạn mới. Khi đó, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, lên tới 4.000-6.000 USD/tấn vào năm 2011.
Cùng với cây cao su, sau đó HAGL còn trồng nhiều cây công nghiệp khác, như cọ dầu, mía, bắp, quy mô mỗi cây trồng lên đến hàng ngàn, chục ngàn hecta.
Giá cao su 10 năm qua. 1 US cents/pound = 20 USD/tấn
Tuy nhiên, ông bầu phố núi lúc ấy chẳng thể biết được rằng, sau khi lập đỉnh vào năm 2011, giá cao su thế giới lao dốc nhanh cũng như lúc nó đi lên vậy. Cùng lúc này, thị trường bất động sản Việt đóng băng, ông chủ HAGL bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn.
Năm 2013 và 2014, doanh thu lập tức sụt giảm mạnh 30-40%, chỉ còn trên dưới 3.000 tỷ đồng trong khi vay nợ vẫn ở mức cao, thanh khoản công ty gặp khó khăn. Cây cao su sau nhiều năm trời đầu tư, nay đã đến lúc thu hoạch, tuy nhiên giá lại liên tục đi xuống. Khó khăn chất chồng khó khăn.
Năm 2013, ông Đức tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Kế hoạch tái cấu trúc HAGL bao gồm 2 việc chính: thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, BĐS tại Việt Nam và đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và BĐS tại Myanmar.
Cuối năm 2015 đầu 2016, giá cao su xuống đáy, Bầu Đức cay đắng thừa nhận: “Hoàng Anh Gia Lai khi trồng cao su tính toán bỏ vốn 1.300 USD có thể bán được 5.500 USD, nhưng giờ có lúc chỉ bán được 1.100 USD, làm ăn kinh doanh có lúc này lúc kia”.
Lúc này, HAGL tìm thấy cứu cánh tạm thời là bán bò. Dự án nuôi bò sữa và bò thịt được HAGL công bố từ giữa năm 2014, với tổng vốn đầu tư từ HAGL lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, dự án nuôi bò sữa và bò thịt lên kế hoạch nuôi 236.000 con, dự tính tới năm 2017 sẽ chiếm tới 40% tổng đàn bò cả nước. Dự án này khi đó được kì vọng rất lớn trong việc thay đổi cơ cấu kinh doanh của tập đoàn và sớm thu lợi lớn, từ thịt bò, sữa tươi và thậm chí cả… phân bò.
Doanh thu từ đàn bò giúp HAGL kiếm hơn 6.000 tỷ đồng trong 2 năm 2015-2016. Thế nhưng, niềm vui từ đàn bò không kéo dài được lâu. Khi bắt đầu bán bò hồi quý 2/2015, nhà đầu tư rất hào hứng với hướng đi mới này bởi biên lợi nhuận lên tới 38%. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, đến quý 2/2016 biên lợi nhuận từ bán bò tụt xuống chỉ còn 8% và sang quý 1/2017 vừa qua thậm chí còn lỗ 1%.
Bất động sản, cao su và đến đàn bò cũng đều gặp khó khăn, Bầu Đức phải đi tìm lời giải cho bài toán thanh khoản và đã nghĩ tới chuyện bán 20.000 ha rừng cao su tại Lào cho người Trung Quốc để đổi lấy 8.000 tỷ đồng trả nợ.
Theo một nguồn tin kể lại, chính trong chuyến đi sang Trung Quốc để đàm phán với đối tác, bầu Đức lại nhìn thấy một thị trường đông dân với nhu cầu trái cây vô cùng lớn.
Cửa ra cho tập đoàn này lần này trông cậy cả vào cây ăn quả. Bắt đầu bằng chanh dây, chuối, thanh long và tương lai là 17 loại hoa quả khác nhau. Các ngân hàng trong nước lúc này cũng đã chấp nhận giãn nợ, lùi ngày đáo hạn một loạt khoản vay thêm 5-6 năm cho HAGL. Áp lực trả nợ cũng nhẹ đi phần nào.
Tính đến tháng 5/2017, HAGL đã đầu tư gần 19.000ha cho cây ăn quả tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Có lẽ cho đến cả lúc này thì ở Việt Nam, bầu Đức vẫn là doanh nhân “chịu chi” nhất khi đầu tư vào nông nghiệp.
Việc trồng cây ăn quả khác rất nhiều so với các dự án nông nghiệp dài hơi trước đó của HAGL như cao su, mía đường hay nuôi bò, bởi thời gian thu hoạch rất ngắn, đồng nghĩa với thời gian dòng tiền quay lại sẽ sớm hơn nhiều. Chanh dây chỉ mất 6 tháng là thu hoạch và hiện nay đã có sản phẩm ngoài thị trường. Chuối khoảng 8 tháng và mới được HAGL thu hoạch lứa đầu tiên cách đây 1 tuần. Thanh long sẽ thu hoạch trong tháng 9. Mít, bưởi, cam ổi sẽ được bán vào cuối năm 2018.
Năm nay, HAGL dự kiến thu 2.600 tỷ đồng từ 3 loại quả gồm chanh dây, chuối và thanh long, lợi nhuận gộp thu về tới 1.100 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp lên tới hơn 40%, mức rất cao so với các ngành kinh doanh hiện nay.
HAGL cho biết, biên lợi nhuận từ trái cây cao là do HAGL có quy mô lớn, cho phép công ty bỏ qua nhiều khâu trung gian và bán trực tiếp cho các nhà phân phối lớn cũng như các chợ đầu mối ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá bán cao hơn so với giá của nông dân trong nước nhờ khả năng cung cấp sản lượng lớn, ổn định, chất lượng đồng đều, nguồn gốc rõ ràng (đến từ cùng 1 nhà sản xuất thay vì thu gom từ nhiều nông dân).
Yếu tố địa lý cũng là thuận lợi của HAGL. Khoảng cách cũng như thời gian mang sản phẩm đến thị trường của công ty ngắn, cho phép vận chuyển hiệu quả hơn và bảo quản trái cây tốt hơn. Ngoài ra, bầu Đức còn tự tin vào đội ngũ chuyên gia nông nghiệp, hệ thống tưới nhỏ giọt, khí hậu phù hợp, kỹ thuật canh tác tốt sẽ giúp vườn cây của mình cho năng suất cao.
Cuộc bể dâu thương trường dường như đã thay đổi hẳn một doanh nhân chịu chơi ngông như bầu Đức. Vị doanh nhân Việt duy nhất máy bay riêng đã bán máy bay, người thu tiền tỷ trên mỗi căn hộ, hàng nghìn USD/tấn cao su, nay đã chấp nhận cầm tiền lẻ từ trái cây, vài chục ngàn đồng/kilo.
Khách hàng chính của HAGL sẽ là các nhà bán sỉ lớn ở Trung Quốc. Các công ty bán sỉ này sẽ phân phối trái cây của bầu Đức vào thị tường bán lẻ, đặc biệt là ở phân khúc trung và cao cấp.
HAGL cũng bắt tay với chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh để phân phối trái cây. Bách Hóa Xanh cũng là dự án được ông Nguyễn Đức Tài đặt nhiều kì vọng trong thời gian tới. Sự phát triển chóng mặt của 2 chuỗi Thegioididong và Dienmayxanh có lẽ sẽ là chỉ báo tốt cho sự phát triển của Bách Hóa Xanh và đầu ra cho trái cây của ông bầu phố núi.
Theo Trí Thức Trẻ