Ở mỗi kỳ SEA Games người ta lại thấy lấp lánh những câu chuyện cảm động về nghị lực sống, vươn lên của những vận động viên đang hàng ngày, hàng giờ đổ mồ hôi trên sân đấu.
Câu chuyện của cô gái vàng Nguyễn Thị Huyền tại kỳ SEA Games này là một ví dụ tiêu biểu như thế. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cho tới giờ vẫn không biết mặt cha, mẹ phải vất vả nuôi Huyền và chị gái lúc nào cũng ngây ngây dại dại.
Từ một cô bé giỏi mò cua, bắt ốc, nhọc nhằn với hơn 1 mẫu ruộng cùng mẹ, cô gái Nam Định Nguyễn Thị Huyền đã tỏa sáng rực rỡ, đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam và trở thành niềm tự hào của bà con xã Yên Minh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định sau kỳ SEA Games 2 năm trước.
Nguyễn Thị Huyền (trái) trải qua nhiều biến động sau khi lên đỉnh vinh quang ở SEA Games 2015. |
Khi đó câu chuyện cảm động về một cô gái con nhà nghèo, chịu nhiều cực nhọc tỏa sáng rực rỡ với 3 chiếc HCV, phá 2 kỷ lục SEA Games, giành 2 suất dự Olympic đã được lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Và thêm một điểm đặc biệt nữa để Huyền khác biệt hẳn với các vận động viên khác, ấy là việc cô không thích đi tập huấn nước ngoài và chỉ loanh quanh ở nhà với thầy nội nhưng vẫn vượt xa vận động viên tập huấn ở Mỹ.
Nguyễn Thị Huyền rất có duyên với đấu trường SEA Games khi sở hữu 4 tấm HCV cùng 3 kỷ lục giải đấu sau 2 lần tham dự. Trước mắt cô còn cơ hội giành thêm 2 tấm HCV 400 m và tiếp sức 4×400 m nữa. |
Thế nhưng sau 1 năm đại cát ấy, Huyền phải trải qua năm 2016 đầy giông bão. Chấn thương liên miên, khiến phong độ của cô bị sa sút ở hầu hết mọi giải đấu. Không những thế chuyện xích mích giữa hai thầy trò cũng rùm beng trên mặt báo.
Từ một ngôi sao chói sáng vào năm trước, hình ảnh của cô bỗng nhạt nhòa. Đầu năm 2017, trong danh sách VĐV trọng điểm được đầu tư cho SEA Games, Huyền không có mặt.
Ý chí vượt khó tuyệt vời
Ngay sau khi giành HCV và phá kỷ lục SEA Games, Huyền kể chuyện bị ngã khá nặng trong buổi tập trước ngày thi đấu. Bàn tay của Huyền bị rách một miếng to, máu chảy rất nhiều. Cả hai thầy trò đều lo lắng cho phong độ của Huyền trong ngày thi chính thức hôm sau. Thế nhưng, khi bước vào thi đấu, bắt gặp ánh mắt động viên của thầy, Huyền như có liều doping tinh thần, cô quên hết đau đớn, dồn tất cả quyết tâm vào từng bước chạy.
Trong suốt nhiều tháng trước SEA Games, hai thầy trò tập trung toàn bộ nỗ lực chuẩn bị. Cô gần như không tiếp xúc, lảng tránh mọi cuộc phỏng vấn của truyền thông, hạn chế các hoạt động trên mạng xã hội để tập trung cho giải đấu quan trọng trong năm. Những hy sinh đó của hai thầy trò đã được đền đáp bằng tấm huy chương quý giá.
Có lẽ những nhà lãnh đạo ngành thể thao mong muốn động thái ấy sẽ giúp cho Huyền và thầy thay đổi. Và Huyền đã phải nỗ lực gấp nhiều lần để chứng minh được rằng cô vẫn là vận động viên số 1 ở đường chạy 400 m và 400 m rào.
Sau một số chuyện hiểu nhầm, hai thầy trò cũng dần hiểu và thương nhau hơn. Thầy Lợi giờ cũng ít ca thán mà âm thầm chăm cho Huyền tập luyện. Thương trò không có ai tập cùng (vì cả tổ chỉ có Huyền tập 2 nội dung ấy), suốt ngày lủi thủi một mình, tự xếp rào, tự chạy, thầy Vũ Ngọc Lợi liên hệ và được ngành Quân đội giúp đỡ, cử một em nam vận động viên lên Nhổn hàng ngày tập cùng Huyền để kéo Huyền chạy.
Với khả năng của Huyền, các nữ VĐV khác không thể làm quân xanh được mà chỉ có các nam VĐV mới có đủ khả năng kéo “bà chị” từng lẫy lừng ở SEA Games trước.
Huyền kể, không chỉ may mắn được ngành Quân đội giúp đỡ, khi vào Sài Gòn tập huấn, các thầy cô cũng thương tạo điều kiện ăn, ở cho 2 thầy trò và còn cho một em nam VĐV hàng ngày tập cùng với Huyền. Những sự giúp đỡ ấy, cùng quyết tâm của hai thầy trò đã giúp cho Huyền dần lấy lại phong độ.
Sau giông tố, Huyền cũng trầm tĩnh hơn, sợ tiếp xúc với báo chí hơn. Cô chính thức đánh dấu sự trở lại của mình bằng chiếc HCV châu Á nội dung 400 m rào, với thành tích 56”14, xác lập kỷ lục quốc gia mới, trước khi lên đường dự SEA Games.
Giây phút chiến thắng của Nguyễn Thị Huyền giúp giải tỏa bao nỗi nhọc nhằn của cô thời gian qua. |
Và trên sân vận động Bukit Jalil tối 22/8, Huyền đã trở lại chính mình với những bước chạy thoăn thoắt. Sau khi đoạt HCV, dù thở không ra hơi, nhưng cô liên tiếp gọi “thầy ơi” và ào đến khán đài ôm thầy qua song sắt. Khi không thấy HLV Vũ Ngọc Lợi xuống sân, cô liên tiếp gọi thầy và đi tìm.
“Lúc đó tôi chỉ muốn ôm thầy thể hiện sự biết ơn. Vì tôi thầy đã chịu nhiều vất vả. Và hôm nay, thầy trò tôi đã có thể ngẩng mặt nhìn mọi người”. Vẫn giống như kỳ SEA Games trước, ước mơ của Huyền sau khi đoạt HCV SEA Games là tiếp tục được tập huấn trong nước.
Theo TRÍ THỨC TRỰC TUYẾN