Smartphone sắp bước vào thoái trào, Facebook chuẩn bị thế giới “không màn hình”

Đó chính là tầm nhìn và tham vọng của CEO Facebook về những bước tiến công nghệ trong tương lai.

Tại hội nghị Facebook F8 diễn ra tại San Jose (Mỹ) tuần trước, CEO Mark Zuckerberg đã chia sẻ tham vọng có phần “điên rồ” của mình về kế hoạch trong 10 năm tiếp theo của Facebook. Bức ảnh trên đây chính là lộ trình mà Mark muốn thực hiện.

Lộ trình của Mark gồm 3 giai đoạn: đầu tiên là dành thời gian để phát triển một công nghệ mới mẻ và độc đáo làm lợi thế, sau đó tạo ra một sản phẩm dựa trên nó và cuối cùng là biến nó thành một hệ sinh thái, nơi các nhà phát triển và doanh nghiệp có thể kinh doanh dựa trên nó.

Năm ngoái, Mark từng tiết lộ về kế hoạch này nhưng chưa công bố chi tiết.

“Thế giới năm 2026” của Facebook gồm việc mọi người đều có thể truy cập Internet, đa số họ sẽ sử dụng Internet.org – “cánh tay kết nối chính” của Facebook. Mark còn tiết lộ Facebook đang phát triển một chiếc kính thông minh với hình dáng như những chiếc kính thông thường. Cuối cùng, Mark hứa hẹn trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đủ thông minh để giao tiếp, tương tác với người dùng

Một thế giới “không có màn hình”

Cứ tưởng chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng, nhưng Facebook thực sự muốn mang nó ra đời thực. Thay cho smartphone, tablet, TV hay những vật dụng có màn hình, tất cả các thiết bị điện toán sẽ hiện nội dung ngay trước mắt chúng ta, và chúng ta có thể gõ hay nhập liệu bằng bộ não.

Một thế giới thật thú vị, nhưng liệu có quá điên rồ không khi Facebook (hay một số hãng công nghệ khác) là nơi trung gian, biết được tất cả những gì mà bạn thấy, nghe và thậm chí là đang nghĩ trong đầu. Trong khi đang suy nghĩ đến những vấn đề đó, hãy xem chúng ta đã di chuyển nhanh đến thế nào trong lộ trình của Mark.

Còn 9 năm nữa là đến tầm nhìn năm 2026 của Facebook. Những kế hoạch về VR (thực tế ảo) và AR (thực tế ảo tăng cường) của Facebook, Internet vạn vật và AI (trí tuệ nhân tạo) đang được triển khai và chúng bắt đầu bước ra đời thực.

Michael Abrash, một trong những nhà khoa học kỳ cựu của Oculus Research (hiện thuộc sở hữu của Facebook) cho biết chúng ta có thể chỉ mất 5 năm để các thiết bị đeo AR đủ hoàn thiện và trở nên phổ biến. Tại F8, Facebook thông báo đang phát triển công nghệ giúp nhập liệu bằng suy nghĩ, nghĩa là bạn có thể gõ chữ, di chuyển và “click” chuột chỉ với suy nghĩ của mình thông qua chiếc kính AR. Hay Camera Effects, nền tảng giúp biến smartphone thành một thiết bị AR với camera tích hợp chính là ví dụ của Facebook về viễn cảnh trên.

Thực hiện điều đó?

Facebook có tiềm lực rất lớn. Hãy nhớ rằng sứ mệnh của Facebook là chia sẻ, và một loại công nghệ “ảo”, giao tiếp khắp mọi nơi, độ tương tác cao chính là phương tiện cực kỳ mạnh mẽ giúp Facebook thực hiện nhiệm vụ trên.

Cũng tại F8, Oculus giới thiệu Facebook Spaces, mạng xã hội thực tế ảo (social VR) cho phép tất cả mọi người gặp gỡ, nói chuyện, đi chơi cùng nhau trong một không gian ảo với các thiết bị hỗ trợ (kính VR), thậm chí một người ngoài đời thực và một người đang ở thế giới ảo cũng có thể gặp nhau. Dù có phần hơi “lập dị”, nhưng đó là dự đoán của Facebook về cách thức trò chuyện, chia sẻ giữa bạn với bạn bè trong tương lai.

Và nếu đang đeo những chiếc kính đó, hãy tưởng tượng một nhân viên McDonald’s xuất hiện trước mặt, hỏi bạn muốn ăn gì để tiến hành đặt hàng, chắc chắn điều đó sẽ sớm xảy ra và vị nhân viên kia chỉ là ảo mà thôi. Trước đó, Facebook thông báo sẽ tích hợp tính năng gợi ý đặt thức ăn vào trợ lý ảo M trên Messenger, vì vậy một nhân viên đặt hàng ảo trong môi trường VR là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

Dù đã xuất hiện từ năm ngoái, nhưng các chatbot (hệ thống trả lời tự động dựa trên yêu cầu người dùng) vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện. Sau “thảm họa” Xiaoice của Microsoft, Facebook và các doanh nghiệp khác cần chú ý hoàn thiện những chatbot của mình. Với Facebook, tham vọng của hãng còn cao hơn khi muốn các chatbot nói chuyện như người thật với âm thanh có thể phát qua da hoặc một chiếc tai nghe không dây. Một lần nữa, bạn phản hồi lại chúng bằng suy nghĩ chứ không phải lời nói.

“Thế giới bán ảo” (semi-virtual world) là cụm từ mà trang tin Business Insider nói về thế giới mà Facebook muốn nhắm đến trong 10 năm tới. Trong thế giới này, Facebook muốn mình trở thành nơi trung gian cho tất cả các hoạt động của con người. Điều quan trọng nhất: những giao dịch, mua bán mà chúng ta thực hiện trong thế giới đó sẽ mang đến rất nhiều lợi nhuận cho Facebook, chắc chắn là vậy.

Facebook vẫn đang chậm rãi, từng chút một, biến mọi thứ trở nên giống với ý tưởng của mình trong 10 năm tới. Với Facebook, một ngày trôi qua cũng là một câu hỏi mới về vai trò của hãng trong cuộc sống của chúng ta xuất hiện, không chỉ Facebook mà có lẽ các ông lớn khác như Apple, Google hay Microsoft đều cùng có một mục đích cuối cùng về tương lai của AR, VR: kiểm soát, là “cầu nối” giữa tất cả mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta trong thế giới thực. Dường như “ông lớn” cũng muốn có tầm ảnh hưởng đến mọi mặt, mọi hành động trong cuộc sống này.

(Nguồn: VnReview)

SHARE