Bảy tháng qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, Hà Nội đã giảm được tai nạn giao thông (TNGT) ở cả ba tiêu chí. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp với chiều hướng gia tăng TNGT đường sắt và những va chạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng trên các tuyến đường ở ngoại thành.
Vụ va quệt giữa ô-tô tải và xe máy tại ngã tư Xuân Mai (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ), khiến cả ba người trên xe máy chết hôm 8-8 vừa qua là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực ngoại thành Hà Nội. Những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng lại xảy ra nhiều hơn ở những nơi mà mật độ phương tiện không cao, cho thấy công tác bảo đảm trật tự ATGT tại Hà Nội cần tác động mạnh hơn nữa vào ý thức của người dân.
Theo báo cáo của Ban ATGT thành phố, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 807 vụ TNGT đường bộ, đường sắt, làm 319 người chết, 656 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ TNGT giảm 88 vụ (đạt 9,8%), giảm 11 người chết và giảm 80 người bị thương. Kết quả này về cơ bản đạt chỉ tiêu mà thành phố đề ra từ đầu năm là giảm từ 5 đến 10% TNGT trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Các ngành chức năng của thành phố cũng đã tập trung xóa sáu trên tổng số 41 điểm ùn tắc giao thông gồm: điểm giao cắt tại Lò Đúc – Trần Khát Chân – Kim Ngưu, Trung Văn – Tố Hữu, khu vực bắc cầu Chương Dương, Trâu Quỳ – quốc lộ 5, Nhà máy sữa Vinamilk – quốc lộ 5, Trần Phú – Nguyễn Văn Lộc (Hà Đông). Tuy nhiên, số vụ TNGT đường sắt có xu hướng gia tăng với 14 vụ, làm 13 người chết; tăng năm vụ và tăng năm người chết so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả phân tích các vụ tai nạn xảy ra trên toàn thành phố cũng cho thấy, có tới 316 vụ tai nạn ở các mức độ nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì và quận Long Biên. TNGT đường thủy nội địa cũng diễn biến phức tạp với 12 vụ, làm một người chết, một người bị thương, chìm đắm 11 phương tiện, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát suốt từ đầu năm đến nay nhằm xử lý kịp thời các vi phạm, nhắc nhở, chấn chỉnh ý thức của người điều khiển phương tiện. Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã kiểm tra, xử lý hơn 287 nghìn trường hợp, phạt hơn 100 tỷ đồng, tạm giữ 11 nghìn lượt phương tiện. Lực lượng cảnh sát đường thủy nội địa kiểm tra, xử lý, phạt 3.473 trường hợp vi phạm luật; đồng thời phối hợp các đơn vị nghiệp vụ phát hiện, bắt giữ những phương tiện có hành vi khai thác cát, sỏi trái phép… Tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân vẫn rất thấp, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng là họ ngang nhiên vi phạm. Ngoài nguyên nhân chủ quan, ATGT khó được bảo đảm khi số lượng phương tiện quá lớn và vẫn không ngừng tăng trong khi năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Một số công trình đang triển khai thi công đã làm thu hẹp mặt cắt lòng đường, gây cản trở giao thông và nguy cơ ùn tắc giờ cao điểm.
Từ nay đến cuối năm, để bảo đảm tốt trật tự giao thông, giảm đến mức thấp nhất số vụ tai nạn, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai quyết liệt bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trong đó có giải pháp để hạn chế, tiến tới xóa bỏ các điểm đen ùn tắc, tai nạn; tổ chức, điều hành giao thông; cải thiện năng lực vận tải hành khách công cộng; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Ủy ban nhân dân thành phố cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, sửa đổi các Nghị định số 132/2015/NĐ-CP và Nghị định số 46/2016/NĐ-CP theo hướng tăng các chế tài xử lý, nâng mức xử phạt để bảo đảm tính giáo dục, răn đe; tiếp tục triển khai các hạng mục công việc bảo đảm trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông), góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sớm triển khai dự án nâng cấp cải tạo thành đường ngang có gác hoặc đường ngang có cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động tại các đường ngang qua đường sắt có lưu lượng phương tiện cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để thống nhất hành trình các tuyến vận tải đi qua thành phố cho phù hợp với công tác tổ chức giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm tra điều kiện kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng.
Theo Baomoi