Thảm hoạ y khoa ở Hoà Bình: Chuyên gia Bạch Mai phân tích nguy cơ từ hệ thống nước RO

TS Luận cho biết, theo quy định sau khi vệ sinh đường ống nước từ máy RO vào máy chạy thận phải test xem chất tẩy rửa còn không. Nếu còn thì rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Vụ tai biến y khoa ở Hoà Bình được xem như thảm hoạ y khoa với các diễn biến phức tạp và số người tử vong chưa có trong y văn. Bệnh nhân đều có biểu hiện của hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu…).

Dù chưa có kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi… nhưng  hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến có sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Theo TS Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, nước RO là hệ thống nước dùng để lọc máu. Trong y tế, hệ thống xử lý nước RO qua nhiều công đoạn:

Thứ nhất: Nước đầu vào là nước máy, nước giếng, nước sông ngòi sẽ được lọc qua hệ thống lọc thô để loại bỏ cặn, chất liệu lọc có thể là cát đa tầng, cát công nghiệp.

Thứ hai: Nước tiếp tục qua lớp lọc làm mềm tức loại bỏ các ion kim loại nặng như canxi, magie, sắt…

Thứ ba: Nước lọc qua 1 lần lọc carbon để loại các chất hữu cơ, cloramin và những chất sát khuẩn ở được nước máy.

Thứ tư:  Nước tiếp tục lọc qua hệ thống vi lọc. Khi qua hệ thống vi lọc thì các loại vi khuẩn, vi rút bị chặn lại hết.

Thứ năm: Đây là công đoạn cuối cùng nước vào màng lọc RO. RO là thẩm thấu ngược.

Cuối cùng là nước lọc qua máy RO sẽ đi vào đường dẫn nước và đến hệ thống máy lọc thận.

Thảm hoạ y khoa ở Hoà Bình: Chuyên gia Bạch Mai phân tích nguy cơ từ hệ thống nước RO - Ảnh 1.

Nước được xem là yếu tố quan trọng số 1 trong chạy thận nhân tạo

Nước RO tinh khiết đưa đến máy thận, nước này sẽ tiếp xúc trực tiếp máu và dịch lọc để pha loãng ra như huyết tương qua màng bán thấm ở quả lọc. Chính vì vậy nước được xem là vô cùng quan trọng với máy lọc thận. Nếu nước nhiễm khuẩn, nhiễm chất gì đó thì nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân.

Ở những nước phát triển họ có tiêu chuẩn ISO cho nước RO chạy thận nhân tạo của mình nhưng ở Việt Nam thì hiện nay vẫn theo tiêu chuẩn của Mỹ từ năm 2007. Ở Việt Nam ngưỡng an toàn 200 thì ở Châu Âu là 100 và ở Nhật thì thấp hơn.

Thông thường, tai biến không phải là do nước bởi nước đã qua được RO thì đã tinh khiết và rất an toàn với bệnh nhân.  Khi xảy ra tai biến nếu do hệ thống nước thì có thể do quá trình xúc rửa đường nước thì có thể còn tồn dư chất nào đó.

Bình thường, khi lọc máu khoảng 1 tuần thì ngày chủ nhật người ta phải xử lý đường nước như sát khuẩn và làm sạch đường ống lúc đó bắt buộc phải dùng hoá chất để tẩy rửa đường ống dẫn nước từ máy RO vào máy chạy thận. Khi đó, muốn tẩy Biofin phải dùng javen 5%, để tẩy cặn bám vào đường ống.

TS Luận cho biết theo quy định tẩy xong phải có test kiểm tra xem chất tẩy rửa đó có còn không. Nếu còn thì rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh có thể để xảy ra tai biến.

Còn đối với quả lọc, khi rửa quả lọc người ta cũng dùng nước, hoá chất nhưng nếu có tai biến xảy ra thì người dùng quả lọc mới có thể được loại trừ.

Cùng quan điểm, theo PGS Trần Hồng Côn – Khoa Hoá học trường Đại học Khoa học tự nhiên, Hà Nội để có được những giọt nước RO được xem là công nghệ lọc nước tinh khiết nhất hiện nay và qua nhiều giai đoạn lọc nước.

PGS Côn cho biết nước được lọc thô và làm mềm, loại bỏ vi khuẩn mới đưa vào lọc nước RO. Thông thường, trong y tế hệ thống lọc nước RO công suất lớn nên họ phải thau rửa màng lọc hàng tuần bởi vì nếu không rửa màng lọc thì màng lọc sẽ hỏng và chi phí thay thế màng lọc lớn. Còn ở hộ gia đình công xuất nhỏ, máy lọc nhỏ và họ có thể thay hẳn cục lọc theo thời gian.

PGS Công cho biết nước RO rất tinh khiết khi đã chảy qua mang RO bởi nếu nước chưa được làm sạch thì không thể thẩm thấu qua màng RO được. Chính vì thế, vụ việc ở Hoà Bình cần xem lại chu trình đường ống nước sau khi giọt nước từ màng RO đi ra.

Theo trithuctre

SHARE