Thiết bị diệt khuẩn, liệu có hiệu quả?

Công nghệ “diệt khuẩn” chủ yếu là hạn chế nấm mốc, chứ mầm bệnh không diệt được bằng cách đơn giản.

Tận dụng tâm lý người dùng trước dịch Covid-19, một số nhà kinh doanh công nghệ, nhân viên bán hàng đã lồng ghép sản phẩm tích hợp công nghệ ion, lọc không khí để tư vấn cho khách hàng thêm tính năng diệt khuẩn… gây an tâm ảo cho người dùng khi mua sản phẩm.

Không như nhiều người nghĩ

Theo chủ một đại lý kinh doanh hàng điện máy tại quận 12,TP. Hồ Chí Minh, thiết bị sấy vài tuần nay được người dùng mua khá nhiều để khử trùng vật dụng trước dịch Covid-19. “Các thiết bị sấy quần áo có giá từ 2 triệu đồng khá hút hàng” – chủ đại lý này cho biết.

Mỗi sản phẩm chính hãng đều có thông tin sản phẩm với các tính năng cụ thể nên người dùng, cần lưu ý khi chọn mua Ảnh: PHẠM ĐỊNH

Ghi nhận tại một số cửa hàng và các trung tâm điện máy ở TP. Hồ Chí Minh, do mùa nóng sắp đến nên các thiết bị gia dụng, điện lạnh như máy lạnh, quạt điều hòa, máy sấy quần áo… kèm giải pháp công nghệ diệt khuẩn được trưng bày khá nhiều. Theo dòng chữ trên các thiết bị này, công nghệ lọc ion không khí được nhân viên chú trọng tư vấn cho khách hàng, thậm chí sản phẩm của một số hãng còn ghi cả tính năng kháng virus, vi khuẩn, nấm mốc. Hiện đèn khử trùng được nhiều người chọn mua nhiều do được quảng cáo có tính năng diệt virus corona.

Theo nhà sản xuất, loại đèn này dùng tia cực tím và hệ thống ống ozone kép để diệt virus corona trong không khí, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Theo đại diện hãng, đây là sản phẩm chưa hợp quy chuẩn Việt Nam nên chưa có hàng chính thức trên thị trường thông qua nhà phân phối mà chủ yếu một số nhà kinh doanh nhập bán trực tiếp.

Theo nhận xét của nhiều người trong nghề, công nghệ khử trùng diệt khuẩn thật ra ít phổ dụng trên nhiều thiết bị gia dụng, một vài mặt hàng xuất xứ Nhật Bản có tích hợp nhưng cũng khá hiếm. Theo các chuyên gia, nó không thật sự hiệu quả như nhiều người nghĩ và có thể gây hiệu ứng an tâm ảo khi mua.

Chỉ giúp lọc bụi bẩn

Tìm hiểu về công nghệ diệt khuẩn, một nhân viên tư vấn tên Minh tại một trung tâm điện máy cho hay các dòng máy lạnh được trang bị công nghệ ion có tác dụng làm sạch không khí qua màng lọc cao cấp, có thể kháng được một số loại vi khuẩn gây bệnh. Theo anh Minh, riêng tính năng diệt virus corona, hiện chưa có thông tin cụ thể của các dòng sản phẩm. Với sản phẩm có sử dụng than hoạt tính như tủ lạnh, công nghệ nano ion bạc, cơ chế hoạt động cũng khá đơn giản khi luồng khí qua bộ lọc này sẽ hạn chế vi khuẩn gây bệnh, nấm mốc, khử mùi…

PGS.,TS. Lê Anh Đức, Khoa Cơ khí Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, cho rằng các loại máy lạnh, tủ lạnh được trang bị màng lọc nano kích thước nhỏ và chỉ có tác dụng ngăn những vi khuẩn có kích thước to hơn màng lọc nano. Việc khuyến khích đeo khẩu trang hiện nay cũng theo nguyên lý này. Ngoài ra, nhiều loại máy lạnh, tủ lạnh cũng được trang bị công nghệ nano bạc có tác dụng sát khuẩn. Tuy nhiên, những con vi khuẩn, virus mới như covid-19 có chết khi tiếp xúc với nano bạc hay không thì cần sự kiểm chứng.

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), nếu nghĩ có thể phòng Covid-19 bằng một thứ gì đó diệt khuẩn không khí xung quanh bạn, điều đó không chính xác. Bởi lẽ virus corona cũng như các vi khuẩn, virus khác không hề bay trong không khí, mà phải có môi trường nhất định. Các thiết bị có tính năng lọc không khí hầu như chỉ giúp lọc bụi bẩn. Môi trường phổ biến nhất là những giọt bắn từ đường hô hấp người bệnh. Nếu chúng ta ngồi quá gần một người đang ho, thì những giọt bắn đó sẽ… bay thẳng vào người, hiện không có cái gì kịp diệt khuẩn trong những giọt bắn đó.

Tuy nhiên, có một môi trường khác có thể chủ động loại trừ, đó là bên trong máy lạnh lâu ngày không được vệ sinh, vi khuẩn, virus có thể trú ngụ. Vì thế, thay vì hy vọng máy lạnh có thể diệt khuẩn, hãy vệ sinh nó thường xuyên. Với các thiết bị phát tia UV, BS Khanh phân tích: “Diệt khuẩn một căn phòng bằng đèn chiếu tia UV chuyên dụng là có, nhưng lúc đó người trong phòng phải ra hết để thiết bị hoạt động khoảng 1 giờ thì một số vi khuẩn, virus sẽ bị loại trừ. Không có chuyện một thiết bị dùng tia UV diệt khuẩn hoạt động trong một căn phòng có người, bởi tia UV rất có hại cho con người”.

Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cập nhật vào mục “Phá giải huyền thoại” một số lời đồn phi thực tế về hiệu quả của các thiết bị được cho là diệt khuẩn. WHO khẳng định: “Máy sấy tay không có tác dụng diệt Covid-19”. Với những chiếc đèn chiếu tia UV, WHO cảnh báo: “Đèn UV không nên dùng để diệt khuẩn trên tay hay bất kỳ vùng da nào vì sẽ gây kích ứng da”.

Theo nld.com.vn

SHARE