Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Dương Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm phương thức kinh doanh chở khách của Grab và Uber
Trước đó, đại biểu Dương Trung Quốc gửi chất vấn bằng văn bản tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với câu hỏi: Chính phủ sẽ cho thí điểm Uber, Grab đến bao giờ và những hệ lụy ai cũng có thể nhìn thấy sẽ do ai chịu trách nhiệm?
Ảnh minh họa |
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, chủ trương cho phép Grab và Uber thử nghiệm đưa ra vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở Việt Nam đã tới ngưỡng phải giới hạn về số lượng so với nhu cầu và hạ tầng giao thông.
Đại biểu Dương Trung Quốc lo ngại: “Thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: chấp nhận hay không chấp nhận cho đối tượng hoạt động chính thức và cả 2 phương án này “đều đi đến hệ lụy tiêu cực”.
Trước những vấn đề trên, văn bản trả lời của Thủ tướng cho rằng với xu thế ứng dụng khoa học công nghệ vào các loại hình dịch vụ, kết hợp với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sự phản ánh tích cực của các chuyên gia, của nhân dân và xu thế phát triển chung, Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải bằng xe khách hợp đồng, với thời gian thí điểm là 2 năm (từ tháng 1/2016).
Thủ tướng cho rằng, việc này đúng với quy định của Luật giao dịch điện tử, qua đó đưa hoạt động dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Đồng thời văn bản trả lời nhấn mạnh: “Thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Thủ tướng đồng ý cho phép áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ. Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử”.
Thủ tướng cho biết, cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab, Uber, trong đó có các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh; cụ thể là công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội, Công ty cổ phần Sun Taxi… trong đó có những đơn vị như công ty CP hợp tác đầu tư và phát triển có khả năng đáp ứng tương đương như Uber, Grab trong cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.
Thủ tướng khái quát: “Qua việc triển khai thí điểm cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước. Việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện bảo đảm sự ổn định, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh”.
Về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương cùng các Bộ, ngành xem xét lại sự đáp ứng đồng bộ giữa quy hoạch và nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc tối ưu hóa trong tổ chức giao thông đô thị, ưu tiên tạo thuận lợi cho xe buýt, taxi, các phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay cho dùng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông.
Thủ tướng cho rằng, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Tuy nhiên, đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí cho các chuyến đi phù hợp, đảm bảo thuận tiện, an toàn. Chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao.
“Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành và phát huy việc ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: “Ngoài những kết quả tích cực đã nêu thì cũng cần nhìn nhận hạn chế cần điều chỉnh như, phải có sự phối hợp sát sao và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt hơn các ứng dụng mới; nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế…”
Theo Vietnamnet