Lần đầu tiên kể từ năm 1992, Apple sẽ tham dự một sự kiện công nghệ tầm cỡ thế giới. Nó nói lên nhiều điều về hướng đi của công ty dưới thời CEO Tim Cook.
CEO Apple Tim Cook. Ảnh: AP
Lần cuối Apple chính thức xuất hiện tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) là năm 1992. Sau gần 20 năm, “táo khuyết” sẽ tái xuất tại CES 2020 khi một lãnh đạo Apple tham gia thảo luận bàn tròn về quyền riêng tư kỹ thuật số.
Jane Horvath, Giám đốc cao cấp phụ trách Quyền riêng tư toàn cầu của Apple, sẽ ngồi lại với lãnh đạo từ Facebook, P&G và Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC). Họ tập trung về cách công ty xây dựng bảo mật theo quy mô, vai trò pháp lý trong quyền riêng tư và người dùng muốn gì khi nói tới quyền riêng tư.
Lần xuất hiện này kết hợp với tầm ảnh hưởng rõ ràng mà Apple có được trong sự kiện vài năm gần đây nói lên nhiều điều về ưu tiên cũng như hướng đi của hãng. Nó cho thấy Apple đang tiến các bước xa hơn trong truyền đi thông điệp quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu khi tham gia thảo luận công khai về các vấn đề như vậy.
Chủ đề mà Apple hướng tới cũng không gây bất ngờ vì quyền riêng tư là lĩnh vực lớn trong thời gian qua, đặc biệt khi các hãng công nghệ sừng sỏ như Facebook, Google bị chỉ trích vì cách xử lý dữ liệu người dùng. CEO Tim Cook liên tục nói rằng họ xem quyền riêng tư là nhân quyền cơ bản và không có động cơ thu thập, kiếm tiền từ dữ liệu khách hàng do mô hình kinh doanh không lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Quyền riêng tư còn đóng vai trò lớn trong chiến dịch quảng cáo của Apple trong năm 2019 khi được xem là lợi điểm trên iPhone.
Ranjit Atwal, Giám đốc nghiên cứu cao cấp của Gartner, nhận định Apple định vị bản thân khác biệt so với đối thủ trong cách xử lý dữ liệu khách hàng.
Apple từng bước tăng cường hiện diện tại CES. Dù không tổ chức họp báo hay có gian hàng triển lãm lớn, Apple hàng năm đều tăng cường hiện diện tại CES một cách gián tiếp. Chẳng hạn, năm 2019, Samsung tuyên bố smart TV của hãng sẽ hỗ trợ nền tảng iTunes và công nghệ truyền phát AirPlay 2 của Apple.
Apple còn đặt tấm biển quảng cáo lớn tại Las Vegas, nơi CES diễn ra, để quảng bá khả năng bảo mật của iPhone. Các năm trước đó, CES tràn ngập các sản phẩm, phụ kiện của bên thứ ba dành cho thiết bị Apple.
Dường như Apple chỉ tham dự CES 2020 để nói về quyền riêng tư. Song, đây là dấu hiệu chậm rãi cho thấy sự kiện ngày càng quan trọng đối với các hãng công nghệ lớn như Apple, Amazon và Google khi họ tìm kiếm sự thống trị trên các lĩnh vực như streaming, smart home – hai danh mục trọng điểm của CES.
Khi dịch vụ số và các quan ngại như quyền riêng tư trở nên cần thiết đối với hình ảnh và việc kinh doanh, rõ ràng Apple muốn mở rộng tầm với bên ngoài các sự kiện riêng để truyền đi thông điệp. Apple có thể không hứng thú với ra mắt sản phẩm tại CES nhưng khao khát gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà các sản phẩm của mình nằm trong đó.
Theo ictnews.vn