Giữa TP.HCM hiện đại, 2 trạm thu phí bỏ hoang, gây ảnh hưởng đến giao thông mà vẫn không được tháo dỡ trong nhiều năm qua khiến dư luận bức xúc.
Trạm thu phí cầu Bình Triệu
Dự án trạm BOT cầu Bình Triệu 2 (phường 26, quận Bình Thạnh) là công trình trọng điểm nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc TP.HCM.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây trạm thu phí này lại bị bỏ hoang, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, dự án trạm thu phí cầu Bình Triệu do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) thực hiện.
Công trình được khởi công từ năm 2000 và đến năm 2003 hoàn thành một số hạng mục như nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xung quanh bến xe miền Đông và xây dựng mới cầu Bình Triệu 2.
Đến năm 2004, Cienco5 chính thức tổ chức thu phí giao thông một chiều qua cầu Bình Triệu 2 (từ quận Thủ Đức vào trung tâm TP).
Sau một hời gian, khi Cienco5 không còn khả năng thu xếp vốn để hoàn tất các hạng mục còn lại của dự án do chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho UBND TP.HCM chấm dứt hợp đồng BOT với Cienco5 và tiến hành điều chỉnh dự án BOT cầu Bình Triệu 2 (giai đoạn 2).
Đến năm 2006, UBND TP.HCM chọn Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) làm nhà đầu tư dự án BOT cầu Bình Triệu 2, CII được quyền tổ chức thu phí từ 1/7/2009.
Về phía cầu Bình Triệu 1, khi xuống cấp, UBND TP.HCM đã cho phép CII thực hiện đầu tư. Sau khi nâng cấp cầu Bình Triệu 1, CII tổ chức thu phí hoàn vốn đầu tư từ ngày 1/8/2013.
Đến tháng 7/2015, CII dừng thu phí tại 2 trạm nêu trên vì đã hoàn đủ vốn cho cầu Bình Triệu 2.
Đã 2 năm trôi qua, trạm thu phí ngày càng xuống cấp và không có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Giải đáp về vấn đề này, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết, dự án cầu đường Bình Triệu, giai đoạn 2, đã được ký tắt hợp đồng BOT.
Hiện quận Bình Thạnh đang lên phương án đền bù giải tỏa mặt bằng, đến tháng 10 sẽ xây dựng nút giao Ngã năm Đài liệt sĩ và nâng cấp mở rộng đường Ung Văn Khiêm.
Dự kiến cuối năm 2019 dự án sẽ hoàn thành hai hạng mục này và thu phí trở lại ở trạm cầu Bình Triệu. Hiện, trạm thu phí này tạm dừng hoạt động vì đã hoàn đủ vốn cho cầu Bình Triệu 2.
Trạm thu phí Thủ Thiêm
Chính thức khánh thành vào ngày 20/11/2011, hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) được coi là hầm lớn nhất Đông Nam Á. Cùng với đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm đánh dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực giao thông của TP.HCM.
Ngay sau khi công trình hoàn thành đã rút ngắn thời gian đi lại giữa hai đầu Đông – Tây của TP.HCM, đồng thời giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô TP.HCM. Ngoài ra, công trình này còn góp phần kết nối giao thông giữa TP.HCM với các khu vực lân cận.
Được biết, cụm công trình Thủ Thiêm – đại lộ Đông Tây được đầu tư với tổng kinh phí lên đến 16.000 tỷ đồng tại thời điểm năm 2012. Sau đó, TP.HCM đã cho xây dựng trạm thu phí hầm Thủ Thiêm hướng về phía quận 2.
Tháng 9/2012, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức cho thu phí thử nghiệm hầm Thủ Thiêm trong 1 tháng. Ghi nhận bình quân mỗi ngày có gần 14.700 phương tiện 4 bánh và 76.700 xe máy lưu thông. Tuy nhiên, sau 1 tháng thu phí thử nghiệm, trạm thu phí này đã dừng hoạt động.
Lý do được UBND TP.HCM đưa ra là vì TP nhận thấy tình hình kinh tế còn nhiều phức tạp, chưa có dấu hiệu phục hồi. Người dân và các doanh nghiệp trong TP đều đang gặp khó khăn. Nếu thành phố thực hiện việc thu phí sẽ có tác động không tốt đến tình hình xã hội, kinh tế của TP. Ngoài ra, UBND TP lúc đó cũng khẳng định khi nào đủ điều kiện sẽ chỉ đạo việc thu phí sau.
Tuy nhiên, đã trải qua 5 năm, nhưng trạm thu phí này chỉ thu 0 đồng tiền phí. Đến nay, trạm thu phí Thủ Thiêm luôn trong cảnh “vườn không nhà trống”, không hoạt động nhưng cũng không tháo dỡ.
Giải thích về việc trạm thu phí Thủ Thiêm bỏ hoang suốt 5 năm, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Trạm thu phí Thủ Thiêm được xây dựng để thu phí phục vụ cho việc duy tu, bảo trì đường hầm này, chứ không phải thu phí để hoàn vốn cho dự án.
Tuy nhiên, đầu năm 2013, khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT xóa bỏ, dừng thu đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước và trả nợ vay để tránh tình trạng phí chồng phí.
Trạm thu phí Thủ Thiêm được xây dựng dựa vào vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản nên là đối tượng nằm trong diện bị xóa bỏ. Vì vậy, việc duy tu, bảo trì đường hầm sẽ dùng phí từ Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo vtc