Vì sao có gần 100 tấn rác trên Mặt trăng?

Trong mắt, trong suy nghĩ của chúng ta, bề mặt xam xám, lồi lõm của Mặt trăng là hoang sơ, không ai động đến, nhưng thực tế đang gánh gần 200 tấn rác, trong đó có 96 túi chứa chất thải con người.

Trên bề mặt Mặt trăng hiện vẫn còn những dấu chân đầu tiên của con người, cờ Mỹ và một tấm biển viết “Nơi đây con người trên hành tinh Trái đất đã đặt chân lần đầu tiên lên Mặt trăng vào tháng 7/1969 sau công nguyên. Chúng tôi đến trong hòa bình cho tất cả nhân loại”.

Tuy nhiên, sau 5 thập kỷ trôi qua, lá cờ đã bắt đầu đầu hàng tự nhiên. Do bị các tia tử ngoại từ Mặt trời chiếu vào, hình ảnh sao và vạch trên lá cờ đã biến mất, chất nilon đã bạc màu, trở thành màu trắng.

96 túi nước tiểu

Nhưng người Mỹ không chỉ cắm một lá cờ trên Mặt trăng; họ cắm tổng cộng sáu cái. Và các nhà du hành vũ trụ đã để lại nhiều dấu ấn hơn là dấu chân đơn giản ban đầu. Lượng rác trên bề mặt Mặt trăng hiện nặng gần 200 tấn.

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trên Mặt trăng ngoài 96 túi chứa nước tiểu và bãi nôn còn có nhiều khăn ướt, ba lô, khăn mặt và giày cũ. Do không có thùng rác nên các phi hành gia cũng vứt tại khu hạ cánh nhiều loại rác như tạp chí, máy ảnh, chăn, xẻng.

Và sau nhiều sứ mệnh quốc tế, hiện có 70 phi thuyền trên bề mặt Mặt trăng, bao gồm xe tự hành và tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo bị hỏng, rơi xuống.

So với Trái đất, Mặt trăng có khí quyển rất mỏng nên cần có thời gian để dấu ấn con người trên đó phai nhạt và biến mất.

Nhà khoa học Mark Robinson công tác tại Đại học bang Arizona (Mỹ) cho rằng, dưới tác động của các thiên thạch siêu nhỏ (kích thước từ 50 µm tới 2 mm) lao vào đống rác trên Mặt trăng, phải mất 10-100 triệu năm đống rác mới phân hủy hết và biến mất.


Rác trên Mặt trăng. Ảnh: Getty.

Rác vũ trụ “cao tuổi” nhất

Nhìn từ Mặt trăng, Trái đất nhô lên trên đường chân trời và sáng lên vào ban đêm như một mặt trăng xanh. Từ xa, Trái đất trông hoang sơ, nhưng nhìn gần hơn, chúng ta sẽ thấy một đám mây lấp lánh toàn rác vũ trụ bay quanh hành tinh xanh. Hiện có xấp xỉ 3.000 tấn rác vũ trụ liên tục bay vòng vòng trên đầu chúng ta.

Nhưng trước đây thì không thế. Những năm 50 của thế kỷ trước, quỹ đạo Trái đất hoàn toàn không có rác. Đến ngày 17/3/1958 mới xuất hiện vị khách thường trú đầu tiên. Đến nay, vị khách này, vệ tinh Vanguard 1 (không còn hoạt động), giữ danh hiệu mảnh vỡ quỹ đạo “cao tuổi” nhất.

Cứ 132,7 phút, Vanguard 1hoàn thành một vòng quanh Trái đất. Nhưng nó không cô đơn. Nó có đồng bọn là hơn 29.000 mảnh rác vũ trụ mà chúng ta không nhìn thấy được cùng với hơn 1.700 vệ tinh đang hoạt động.

Không quân Mỹ đã và đang theo dõi các mảnh vỡ quỹ đạo, phần lớn hình thành từ các rốc-két đã được dùng để phóng vệ tinh, tàu vũ trụ và từ các vệ tinh đã hết hạn hoạt động. Họ liên tục theo dõi mọi vật thể lớn hơn quả bóng chày. Hiện có 670.000 vật thể có kích thước 1-10 cm như mẩu sơn bong, mẩu giấy bạc, ốc vít, nắp che ống kính…


Lượng rác vũ trụ tăng mạnh. Minh họa: James Yoder.

(trích dịch từ sách “The Reality Bubble: Blind Spots, Hidden Truths, and the Dangerous Illusions That Shape Our World” của Ziya Tong)

Theo Tienphong

SHARE