Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những người gầy trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình bị gầy để có biện pháp khắc phục. Nếu gầy do bệnh lý, việc quan trọng là phải điều trị theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ, sau đó cải thiện chế độ dinh dưỡng kết hợp sinh hoạt điều độ để tăng cân một cách khoa học. Tuyệt đối không lạm dụng các loại thuốc tăng cân để tránh gây hại cho cơ thể.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên ăn uống khoa học để tăng cân một cách hợp lý. Ảnh minh họa
Tự ti vì quá gầy
Mang biệt danh “người dây” từ ngày học THPT đến giờ, chị Nguyễn Thị Thanh (27 tuổi, quê ở Hà Nam) vẫn luôn cảm thấy mất tự tin mỗi khi giao tiếp với mọi người. Chị cho biết, dù đã tìm đủ mọi cách để “vỗ béo” nhưng cân nặng của chị sau khoảng 10 năm hầu như không “nhích” lên là bao, chỉ quanh quẩn từ 39 đến 42kg và quá “vênh” so với chiều cao 1m65 của chị. “Cũng vì người không cân đối nên tôi rất ngại trong mỗi lần đi mua quần áo vì hầu như chẳng bao giờ chọn được bộ nào ưng ý, vừa vặn với cơ thể. Nhiều lúc chỉ ước mình tăng thêm vài cân để trông “có da có thịt” tí chứ cứ tình trạng gầy kinh niên thế này, chắc tôi không đủ tự tin để… lấy chồng”, chị Thanh than thở.
Cũng trong tình trạng “khổ sở” vì cơ thể quá gầy, anh Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi 29 tuổi nhưng chỉ có 50kg. Bản thân tôi thấy rất lạ vì nhiều người không ăn được nên bị gầy đã đành, đằng này tôi ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn đều ba bát cơm, có hôm ngon miệng còn ăn thêm bát nữa. Vả lại, tôi không hút thuốc, uống rượu nhưng vẫn không thể nào lên cân được, cứ giậm chân tại chỗ. Có lẽ vì thế mà mấy đứa bạn tôi thường bảo tôi là “người gầy thầy cơm”.
Lý giải về việc nhiều người dù ăn nhiều nhưng không thể tăng cân, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, cơ thể bị rối loạn tiêu hóa, không hấp thu hoặc hấp thu kém các chất dinh dưỡng từ thức ăn là nguyên nhân chủ yếu. Bên cạnh đó, một số người tuy ăn nhiều nhưng thành phần dinh dưỡng lại không hợp lý, hay nói cách khác là thức ăn “nghèo” dinh dưỡng cũng khiến cơ thể không thể hấp thụ các vitamin và khoáng chất để tham gia quá trình trao đổi chất và năng lượng, đảm bảo cho các hoạt động của cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, áp lực trong công việc, cuộc sống, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, tinh thần bất ổn… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chán ăn, cân nặng bị giảm sút và khó tăng cân. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, khi cơ thể quá gầy, khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, chúng ta dễ bị các loại virus, vi khuẩn có hại tấn công và nhiễm bệnh.
Sai lầm khi cho rằng ăn nhiều mỡ để béo
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, chế độ dinh dưỡng đối với người gầy cần duy trì ăn đủ 3 bữa chính và bổ sung các bữa phụ. Tuyệt đối không được bỏ bữa, nhất là bữa sáng. Trong các bữa ăn cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: Đạm, đường, béo, vitamin và muối khoáng. Bên cạnh đó, người gầy nên tăng cường bổ sung thực phẩm có chất chống oxy hóa, chất này có vai trò thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố tích tụ trong cơ thể. Ngoài ra, xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày, hạn chế các chất kích thích, giữ tinh thần thoải mái, ngủ từ 7 đến 8 tiếng một ngày, không thức quá khuya để đảm bảo sức khỏe, giúp tăng cân một cách hợp lý.
Trong quá trình tăng cân, nhiều người gầy thường nghĩ ăn nhiều thức ăn giàu lượng mỡ sẽ giúp cân nặng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, vì nếu chỉ tập trung ăn nhiều chất béo sẽ khiến cơ thể khó tiêu hóa, đặc biệt gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Mặt khác, việc ăn quá nhiều, ăn liên tục và ăn vào ban đêm cũng là những sai lầm trong việc giúp tăng cân. Những việc này vừa khiến hệ tiêu hóa mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi, vừa dẫn đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém đi, dễ gây rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh lý khác.
Các chuyên gia khuyến cáo, tăng cân hay giảm cân đều đòi hỏi một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và tập luyện một cách hợp lý. Khi cơ thể tăng cân khoa học phải là sự gia tăng các khối cơ, nội tạng và trong phạm vi chiều cao của bản thân, đồng thời đảm bảo hoạt động tốt lên chứ không phải sự tích nước cơ học thông thường. Do vậy khi cơ thể bị gầy, giảm cân, mệt mỏi, cần phải đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được bác sĩ khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân xem cơ thể có mắc bệnh gì hay không? Nếu phát hiện bệnh thì phải chữa bệnh, sau đó kết hợp với thời gian làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục hợp lý. Trường hợp không có bệnh, tốt nhất nên gặp các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể các phương pháp tăng cân khoa học.
Rước họa vì lạm dụng thuốc tăng cân
Theo các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), đơn vị này đã tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng khi tự ý dùng thuốc tăng cân có chứa thành phần corticoid. Đây là chất có hoạt tính mạnh trên nội tiết của cơ thể, được xếp vào nhóm các thuốc độc bảng B, được dùng để điều trị các bệnh miễn dịch, dị ứng nhưng lại bị lạm dụng trong các loại thuốc kích thích thèm ăn, tăng cân, chữa đau khớp, viêm khớp. Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi dùng sai liều corticoid như viêm loét và chảy máu dạ dày, ruột, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, suy tuyến thượng thận, rối loạn tâm thần, rối loạn thành phần các chất muối khoáng quan trọng trong cơ thể, teo cơ… Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu không muốn cơ thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm và những hậu quả dai dẳng không tốt cho sức khỏe, không nên tự ý đi mua thuốc tăng cân theo sự truyền tai, mời chào, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh rước họa vào thân. |