Xét xử trùm bảo kê chợ Long Biên vào ngày 11/7

Để quản lý việc thu tiền của đàn em đối với hộ kinh doanh, Hưng “kính” lắp đặt 2 camera theo dõi, cho các nhân viên trong tổ bốc dỡ theo dõi và kiểm soát lẫn nhau.

Ngày 11/7/2019, TAND Thành phố Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”) và 4 đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2008, chị Nghiêm Thúy Nga (sinh năm 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (sinh năm 1972, cùng trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên.

Chị Nga, anh Hà thường xuyên bị các đối tượng: Nguyễn Kim Hưng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương (là tổ trưởng và nhân viên tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên) có hành vi đe dọa, chèn ép trong công việc kinh doanh để bắt phải nộp nhiều loại tiền khác nhau.

Theo quy định của Ban Quản lý chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ; không có quyền đuổi xe, sắp xếp các xe trong chợ; không có quyền chi tiêu số tiền bốc dỡ hàng hóa mà phải nộp ngay số tiền đã thu trong ngày.

Dưới danh nghĩa là những nhân viên của tổ bốc dỡ số 2 thuộc chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo Vương, Hải, Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, gây khó khăn, đe dọa hộ kinh doanh của gia đình anh Hà, chị Nga như: không cho xe ô tô của hộ kinh doanh anh Hà – chị Nga đỗ; cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước ki ốt; kéo cá thối để cạnh ki ốt của chị Nga; đuổi không cho nhân viên của anh chị Nga – Hà bốc dỡ hàng hóa,…

Hưng chỉ đạo đồng bọn không thu tiền theo các bảng kê do Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên phát hành mà thu theo bảng kê do Hưng tự đặt ra. Sau đó, bọn chúng chép và nộp lại 1 phần số tiền này theo bảng kê của Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành. Phần lớn còn lại đem chia nhau và dùng vào các mục đích khác.

Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”), “trùm bảo kê” chợ Long Biên.

Để quản lý việc thu tiền của đàn em, Hưng tự ý lắp đặt 2 camera theo dõi, cho nhân viên trong tổ bốc dỡ theo dõi và kiểm soát lẫn nhau. Hưng trực tiếp kiểm soát việc Hải, Long, Vương nộp tiền và bảng kê cho Tiến vào buổi sáng.

Từ tháng 12/2017, theo sự chỉ đạo của Hưng “kính”, Long và Hải đuổi không cho xe ô tô của chị Nga đỗ tại bãi thủy sản vì chị Nga chưa đăng ký với Hưng. Hưng yêu cầu Vương thông báo với chị Nga thực hiện việc nộp tiền với giá bốc xếp sẽ tăng 200.000 đồng/xe 1,4 tấn và 350.000 đồng/xe 3,5 tấn. Hưng chỉ đạo Tiến khi BQL chợ đã trả đủ lương cho nhân viên thì xé các trang trong sổ ghi tiền thu hàng ngày và các bảng kê nhỏ do Hải, Long, Vương nộp.

Từ ngày 14/3/2018 đến ngày 1/9/2018, Hải cùng Long, Vương đã thu của chị Nga, anh Hà được tổng số tiền hơn 28 triệu đồng và chỉ nộp về BQL chợ Long Biên 3,2 triệu đồng, còn lại gần 25 triệu đồng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”.

Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long và Dương Quốc Vương khai nhận từ ngày 1/1/2018 đến ngày 24/9/2018 được chia tổng số tiền là 46,4 triệu đồng. Trong đó, Tiến được hưởng 23,7 triệu đồng, Long được hưởng 11,6 triệu đồng Vương được hưởng 11,1 triệu đồng.

Ngoài ra, chị Nga, anh Hà còn khai từ năm 2010 đến năm 2017 đã bị Hưng chiếm đoạt một số khoản tiền khác. Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Kim Hưng không thừa nhận hành vi này. Hiện chưa có tài liệu nào khác để chứng minh việc chị Nga – anh Hà đưa tiền cho Hưng nên chưa đủ căn cứ kết luận Hưng chiếm đoạt số tiền trên.


Theo quy định tại Điều 170 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Theo infonet

SHARE